Nhiều người bức xúc khi trên mạng xã hội Facebook mới đây xuất hiện một group có tên gọi "Hội những người ghét cha mẹ". Nhóm này lên tới hơn 7.000 thành viên, với nhiều bài đăng phản cảm, thể hiện thái độ không đúng mực, thậm chí là xúc phạm phụ huynh.
Cãi nhau với cha mẹ 2 -3 lần/tuần
Nhiều thành viên trong nhóm này tỏ thái độ căm ghét, hằn học, xúc phạm cha mẹ mình với lý do khá đơn giản như mâu thuẫn vì xin tiền chơi game, mua điện thoại nhưng cha mẹ không cho, bất đồng quan điểm, bị mắng khi điểm kém, bị kiểm soát đời sống cá nhân…
Một thành viên trong nhóm khiến nhiều người kinh ngạc khi chia sẻ rằng rất hạnh phúc vì mẹ phải nằm viện nên không bị mắng nữa. "Hôm nay là ngày vui nhất trên đời tao. Tụi mày biết gì không? Bà già tao bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện á. Do tình hình dịch bệnh nên tao không vào nuôi bả được. Cuối cùng tao cũng thoát cảnh bị chửi 19 năm nay, hihi"…. Điều đáng nói nữa là các thành viên muốn gia nhập nhóm này cũng phải thỏa mãn các điều kiện không giống ai của admin. Theo đó, người tham gia nhóm phải có ít nhất 2-3 lần cãi nhau với cha mẹ trong 1 tuần. Và để vào nhóm, phải kể lại chi tiết vụ cãi nhau đó. Ngoài ra, còn phải trả lời rõ ràng thái độ đối với cha mẹ là yêu hay ghét.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ tâm lý Phạm Bích Hà (phòng khám Cây Thông Xanh, Hà Nội) cho rằng giai đoạn vị thành niên, trẻ có diễn biến tâm lý phức tạp, tính cách chưa ổn định. Nhiều trẻ có biểu hiện nổi loạn, thích gây chú ý với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, việc có riêng một nhóm "ghét cha mẹ" với những suy nghĩ, thể hiện bạo lực là vấn đề rất đáng lo ngại. "Một phần là do nhiều gia đình chưa quan tâm con cái sâu sát, hay áp đặt suy nghĩ của trẻ, thậm chí chửi mắng, đánh đập, khiến con bị tổn thương, bức xúc ở trong lòng mà không chia sẻ hay tâm sự được với ai. Một nguyên nhân khác là do cha mẹ quá chiều con cái, muốn gì được nấy khiến con sinh hư. Khi trẻ đòi điều gì không được đáp ứng, thỏa mãn, ví dụ xin tiền chơi game chẳng hạn, nó sẽ nổi loạn" - bác sĩ Hà nói.
Theo chuyên gia tâm lý này, nếu để group "Hội những người ghét cha mẹ" hoạt động tự do trên mạng xã hội sẽ rất nguy hiểm, vì thế cần sớm có cảnh báo để ngăn chặn, xóa bỏ. "Nếu xu hướng bạo lực của trẻ được ủng hộ, khích lệ bằng những cái like, comment, tôi tin rằng nó sẽ rất nguy hiểm cho cả các con lẫn xã hội. Các kẻ xấu, người muốn phá hoại có thể lợi dụng điều này làm những việc không lường trước được hậu quả" - bác sĩ Hà khẳng định.
Những lời lẽ nặng nề này đã xuất hiện trên group “Hội những người ghét cha mẹ”Ảnh: Minh Chiến
Sớm có cảnh báo để ngăn chặn
Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết tình trạng lập nhóm trên Facebook để đăng tải các nội dung phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật đã được đề cập đến thời gian qua. Nhiều cá nhân lập nhóm vì những động cơ, mục đích khác nhau. Theo Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhóm "Hội những người ghét cha mẹ" cũng như các nhóm vi phạm khác đều bị xử phạt hành chính và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Theo một số luật sư, điều 101 của Nghị định 15 nêu rất cụ thể việc xử phạt vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Trong đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cá nhân lập nhóm cũng như người đăng tải nội dung vi phạm trên nhóm đó đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, nhiều hội nhóm hoạt động tinh vi, với hình thức nhóm "kín", nhóm "bí mật", do đó cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, làm lành mạnh không gian mạng.
Đến ngày 27-8, group "Hội những người ghét cha mẹ" không còn xuất hiện trên Facebook. Nhưng qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn để những trang mạng xã hội độc hại không lôi kéo, tác động xấu các bạn trẻ.
TS Đỗ Tất Thiên, Phó trưởng Khoa Tâm lý sư phạm - Trường Đại học Sư phạm TP HCM:
Nhìn nhận lại mối quan hệ cha mẹ - con cái
Trước tiên, vấn đề cốt lõi cần giải quyết chính là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Do đó, cần xác định nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái để đưa ra cách thức khắc phục phù hợp. Trong đó, cha mẹ nên là người đóng vai trò chủ động thay đổi, khơi gợi sự hợp tác giải quyết vấn đề cùng con. Để làm được điều này, cần có thêm những lớp học bài bản để các bậc cha mẹ hiểu về đặc điểm tâm lý của con theo từng độ tuổi, biết được các phương pháp giáo dục con cái phù hợp. Trẻ cũng cần được trang bị về cách thức quản lý cảm xúc, để hiểu chính mình, hiểu hơn về cha mẹ và mọi người xung quanh nhằm có cách ứng xử phù hợp.
Đối với góc độ xã hội, trước tiên hãy nhìn nhận ở sự tích cực. Đây là một tín hiệu cảnh báo cho các bậc cha mẹ, các cơ quan ban ngành có liên quan về vấn đề bất ổn trong mối quan hệ và cách giáo dục của cha mẹ với con cái để chúng ta có sự nhìn nhận lại và cùng nhau tìm cách tháo gỡ vấn đề. Nếu chúng ta không giải quyết cốt lõi, bản chất của vấn đề thì hủy đi trang này lại sẽ có những trang khác xuất hiện, có các cách thức khác ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu của các em. Bên cạnh đó, biện pháp trước mắt cũng nên tìm hướng gỡ hoặc dừng hoạt động của trang mạng xã hội này để tránh làm lây lan và ảnh hưởng xấu đến các em. Tuy nhiên, xin nhắc lại, đây chỉ là biện pháp xử lý tình thế. Vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết chính là ở mối quan hệ của cha mẹ - con cái.
Bà Trịnh Thanh Thu, giáo viên môn văn một trường THPT tại TP HCM:
Cảm xúc nhất thời của tuổi học trò
Khi tiếp cận group "Hội những người ghét cha mẹ", thật sự tôi bị sốc bởi những lời lẽ nặng nề, mất tình cảm và bất chấp của các em. Nhưng suy nghĩ thật kỹ lại vấn đề, tôi thấy chuyện này cũng có thể hiểu được.
Có thể nói đây là nơi để các em bộc lộ hết những bực tức, giận dỗi. Trong môi trường thoải mái và được khuyến khích như mạng xã hội, những tình cảm trên càng dễ bột phát bản năng và nói quá lên cảm xúc của mình. Ở tuổi này, các em muốn khẳng định mình nhưng thiếu người hướng dẫn, tạo hình mẫu, trong khi kiến thức xã hội chưa đủ, trải nghiệm tình cảm không nhiều. Gặp điều bất ý dù ngay từ phía cha mẹ các em sẽ có phản ứng và nếu gặp những "nơi xả stress" như trang mạng này thì bộc lộ bốc đồng.
Tôi tin rằng đây không phải suy nghĩ thật của các em. Ngay cả nhiều học trò của tôi sau khi ra trường cũng thường tâm sự lúc tuổi học trò hằn học đủ điều về cha mẹ, thầy cô. Ra đời rồi từ từ mới hiểu và biết ơn những người nuôi nấng, dạy dỗ mình. Cuộc sống cũng cho các em thấy đâu là những giá trị thật, tình thân quý giá đến thế nào để các em dần trưởng thành làm người có ích.
P.Dũng - G.Khang ghi
Bình luận (0)