Ngày 30-12, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đang tạm giữ hình sự các đối tượng Phạm Hồng Phúc (23 tuổi), Nguyễn Thành Công (29 tuổi), Nguyễn Ngọc Triệu (23 tuổi), Phạm Hoàng Luân (32 tuổi, cùng ngụ tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Quốc Phong (26 tuổi) và Lê Đồng Ba (27 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bạc Liêu) để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nhóm "chuyên gia" sản xuất mật ong giả tại Cơ quan CSĐT. Ảnh: Văn Vũ
Trước đó, chiều 29-12, Triệu và Phúc đang bán 5 lít mật ong rừng giả cho một người dân tại quán cà phê thuộc phường Vĩnh Bảo thì bị Công an TP Rạch Giá bắt quả tang.
Kiểm tra nơi lưu trú của 2 thanh niên này tại một nhà nghỉ ở phường Vĩnh Lạc, công an thu giữ nhiều chai nhựa, 2 bịch phụ gia dùng để nấu mật ong giả, 1 danh sách số điện thoại của nhà mạng Vinaphone với hơn 2.000 số thuê bao cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
Mở rộng điều tra, công an tạm giữ thêm 4 đối tượng khác là Phong, Công, Luân và Ba.
2 bịch phụ gia dùng để sản xuất mật ong của nhóm đối tượng đến từ Bạc Liêu và Tây Ninh. Ảnh: Văn Vũ
Tại cơ quan công an, bước đầu các "chuyên gia" này khai nhận do biết được nhu cầu của người tiêu dùng cần mua mật ong rừng nên vào ngày 27-12 vừa qua, Triệu rủ 5 đối tượng còn lại đến thuê nhà trọ ở TP Rạch Giá để làm mật ong giả đem bán.
Triệu và Ba là người trực tiếp đứng ra pha chế bằng cách mua đường cát về nấu với nước sôi cùng một số phụ gia khác được mua từ tiệm thuốc bắc.
Công thức làm mật ong giả: 10 kg đường cát + 2 muỗng phụ gia tạo màu, tạo mùi + 2 muỗng phèn chua + 5 lít nước. Mang hỗn hợp này nấu lên thì thu được từ 10-12 lít mật ong giả. Sau đó, các đối tượng rót vào các can nhựa, loại 1- 5 lít và bán với giá từ 500.000-700.000 đồng/lít.
Một số nguyên, vật liệu dùng để sản xuất mật ong giả đã bị thu giữ để làm vật chứng của vụ án. Ảnh: Văn Vũ
Sau khi có mật ong giả thành phẩm, để có khách hàng tiêu thụ, Triệu là người trực tiếp lấy thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ nhà, nơi làm việc) của khoảng 2.000 người (đều có hộ khẩu thường trú tại TP Rạch Giá) thông qua một công ty rao bán thông tin cá nhân trên mạng. Phong, Luân và Công được giao nhiệm vụ thay phiên nhau gọi điện thoại đến từng người trong danh sách.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, nhóm này còn xưng là người quen, đang làm việc ở cơ quan nhà nước và đã một vài lần gặp mặt nhau nên mới biết địa chỉ nhà để họ rồi mời mua mật ong rừng giả.
Khi có người đồng ý mua thì Triệu, Ba và Phúc là người trực tiếp đi giao hàng tận nhà thu tiền về chia nhau tiêu xài.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm "chuyên gia" này khai nhận đã bán trót lọt được 15 lít mật ong dỏm cho người dân ở TP Rạch Giá và thu lợi bất chính gần 10 triệu đồng.
Bình luận (0)