Trong lúc tinh thần bị kích động, bức xúc, chịu nhiều tác động của những người xung quanh nên đã không kiểm soát được lời nói và cảm thấy cần rút kinh nghiệm sâu sắc về sự việc này.
Đó là những ý chính trong bản tường trình của bà Dương Thị Thùy Trang, Chánh Văn phòng Đảng ủy Ban Quản lý Khu Kinh tế TP Hải Phòng, sau vụ va quệt xe, cãi vã trên phố ở TP này vào chiều 2-5, gây lùm xùm dư luận mấy ngày qua. Qua clip ghi lại tại hiện trường, người ta thấy bà Trang cãi nhau với nam sinh viên Hoàng Quang Minh, người va quệt xe với xe bà, ngã xuống đường, bị chấn thương đầu gối và đến ngày 5-5 vẫn theo dõi, điều trị ở bệnh viện. Bà Trang cũng tranh cãi với công an làm nhiệm vụ tại hiện trường.
Có vẻ như sợi dây kinh nghiệm 2 năm qua "cuộn lại", tạm im ắng, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện qua thông tin báo chí thì nay đang bắt đầu trở lại. Điều đó cho thấy sợi dây kinh nghiệm của nước ta, như lời nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: "Không đâu có sợi dây kinh nghiệm dài như nước ta, rút hoài, rút mãi vẫn không hết".
Vụ xâm hại vùng lõi di sản Tràng An ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, các cơ quan chức năng địa phương "không nghe không thấy" và đổ lỗi "đã nói mà doanh nghiệp cứ làm bừa" để cho Công ty CP Du lịch Tràng An xây hoàn tất gần 2.000 bậc thang lên núi Cái Hạ. Đến nay, việc tháo dỡ công trình xâm hại vẫn nhẩn nha (dù hạn chót ngày 30-4 phải hoàn tất đã qua) và sợi dây kinh nghiệm đã được đem ra làm "bùa".
Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện ông Nguyễn Đăng Chương, vào năm 2017, lúc đương nhiệm Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, "xin rút kinh nghiệm" về lỗi nhận định sai sau khi dư luận phản ứng về việc cục này ra văn bản tạm dừng lưu hành 5 ca khúc, đưa vào cập nhật để quản lý trong khi đã phổ biến, đi vào lòng người. Sau đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bãi chức cục trưởng, điều động ông Chương sang làm nhiệm vụ khác.
Rồi hàng loạt các vụ khác như thanh tra giao thông TP Hà Nội đánh phụ nữ tại sân bay, phó giám đốc một trung tâm của Sở Ngoại vụ TP Hà Nội đánh cụ già hơn 70 tuổi giữa ngõ phố, vụ 2 phó giám đốc sở đánh nhau ở Bình Phước, bà phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận bẻ hoa mai anh đào bên hồ Tuyền Lâm ở TP Đà Lạt… Cho dù biện bạch thế nào thì những hành vi ứng xử đó đều thể hiện tâm và tầm của cán bộ, thấp kém về nhận thức văn hóa, tâm lý quyết ăn thua đủ khi xảy ra tranh chấp, không có được sự bao dung của người có địa vị, quyền thế cao hơn… Khi vụ việc vỡ lở, họ sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, xin rút kinh nghiệm để "nín thở qua sông".
Nếu họ có thái độ cầu thị, chân thành nhận lỗi, tập thể và dư luận xã hội sẽ dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi, còn ngược lại, khó lòng qua mắt mọi người. Một hình thức kỷ luật tương xứng với sai phạm là cần thiết để có tác dụng răn đe, làm gương cho kẻ khác tránh đi vào vết xe đổ. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức là thường xuyên, trở thành tâm tính mới giúp con người nói chung, cán bộ nói riêng hoàn thiện mình, góp phần dựng xây xã hội tốt đẹp.
Bình luận (0)