xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm bù giá xăng dầu cho ngư dân

Minh Chiến

Nếu việc hỗ trợ giá xăng dầu bằng ngân sách được triển khai kịp thời, ngư dân sẽ yên tâm vươn khơi bám biển, nhờ đó duy trì sinh kế và bảo vệ ngư trường

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển.

Hỗ trợ từ ngân sách

Theo Bộ Công Thương, các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ hạn chế được mức tăng của mặt hàng này trước biên độ biến động quá lớn từ giá thế giới. So với cuối năm ngoái, bình quân mỗi lít xăng, dầu các loại đã tăng 26,73%-67,96%, trong khi giá thế giới tăng 44,3%-91,47%. Giá xăng dầu tăng cao khiến một số đối tượng, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chi tiêu.

Thay vì chỉ hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá đang dừng hoạt động như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương đề nghị nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân. "Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu - loại nhiên liệu mà ngư dân sử dụng, tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay" - Bộ Công Thương đề xuất.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45%-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10%-15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35%-48%. Vì vậy, Bộ NN-PTNT trước đó đã có công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua đã nhấn mạnh bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao nhưng các địa phương cũng cần chủ động các giải pháp hỗ trợ.

Sớm bù giá xăng dầu cho ngư dân - Ảnh 1.

Nhiều tàu cá ở Quảng Nam đang nằm bờ vì giá xăng dầu tăng caoẢnh: TRẦN THƯỜNG

Cần triển khai sớm

Tính toán sơ bộ của Bộ NN-PTNT nêu trên đã cho thấy rõ những khó khăn mà ngư dân phải đối mặt khi giá nhiên liệu không ngừng tăng. Các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến vấn đề này và kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp hỗ trợ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc vươn khơi bám biển để mưu sinh, nhiều tàu cá buộc phải nằm bờ. Cần có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu để ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt, bảo đảm cuộc sống hằng ngày cũng như an sinh xã hội tại các địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình với đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ ngư dân trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Ông cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ này đúng ra phải thực hiện sớm hơn. Phương án này hỗ trợ đúng đối tượng và mang lại hiệu quả tức thì. Việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu chỉ là một trong nhiều giải pháp cần triển khai hiện nay.

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây để xem xét, quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bên cạnh biện pháp giảm thuế, cần nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng dầu mà vẫn gặp khó khăn như ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp. Các chính sách hỗ trợ cần được triển khai sớm.

Thực hiện công tác này, từ ngày 24-6, UBND tỉnh Bình Thuận duyệt chi từ ngân sách tỉnh năm 2022 với số tiền hơn 56,4 tỉ đồng để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa. Cụ thể, chủ tàu tại huyện đảo Phú Quý được hỗ trợ nhiều nhất với hơn 48 tỉ đồng (đợt 2-2021), còn lại là các địa bàn: Thị xã La Gi (hơn 5,1 tỉ, đợt 2-2021), TP Phan Thiết (gần 2,6 tỉ, đợt 3-2021) và huyện Tuy Phong (330 triệu đồng, đợt 3-2021). Chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu đã kịp thời giúp ngư dân tại Bình Thuận, nơi có đội tàu hơn 1.900 chiếc từ 15 m trở lên, phần nào khắc phục khó khăn của đà tăng nhiên liệu để tiếp tục bám biển.

Dù vậy, một số ngư dân kiến nghị, để tháo gỡ hơn nữa khó khăn về chi phí nhiên liệu cũng như khuyến khích đội tàu xa bờ vươn khơi nhiều hơn thì cần điều chỉnh quy định bỏ định mức hỗ trợ tối đa 4 chuyến/năm/tàu cá. 

Mỗi tháng sử dụng 330 triệu lít nhiên liệu

Theo Bộ NN-PTNT tính đến cuối năm 2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25-12-2021 là 17.579 đồng/lít đến ngày 20-6-2022 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít). Bộ NN-PTNT đã tính toán chi phí nhiên liệu để bảo đảm cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỉ đồng/tháng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo