Theo kế hoạch, sáng mai (21-12), tại TP HCM diễn ra lễ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 đoạn trên cao, từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái.
Bước ngoặt quan trọng
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho hay thời gian tàu chạy diễn ra chỉ trong 15 phút, từ 9 giờ 55 phút đến 10 giờ 10 phút. Từ điểm đầu là ga bến xe Suối Tiên, tàu đi qua ga ĐHQG, đến ga Công nghệ cao thì dừng lại 5 phút để khách tham quan. Sau đó, tàu di chuyển qua ga Thủ Đức và kết thúc hành trình tại ga Bình Thái.
Tàu metro số 1 từng chạy thử nội bộ trước khi chạy thử ngày 21-12 .Ảnh: MAUR
Mọi công tác chuẩn bị cho sự kiện chạy thử nghiệm đã hoàn tất. Hệ thống tiếp điện trên cao cùng trạm cung cấp điện chính đã được nhà thầu nghiệm thu. Đầu máy, toa xe cũng được nhà thầu cho chạy thử tại depot Long Bình hồi tháng 8 năm nay, bảo đảm tất cả thiết bị trên tàu hoạt động ổn định, an toàn. Sau khi chạy thử nghiệm một đoạn, đoàn tàu sẽ chạy thử trên toàn tuyến, tiến tới khai thác thương mại vào cuối năm 2023.
Theo MAUR, việc chạy thử tàu là bước ngoặt quan trọng của dự án, là cơ sở để đưa toàn tuyến metro vào vận hành thương mại trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ tàu metro số 1 khi khai thác thương mại, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị quản lý, vận hành khai thác và bảo trì tuyến metro 1), cho biết đến thời điểm này 58 người lái tàu đã hoàn tất chương trình học lý thuyết. Dự kiến qua Tết Nguyên đán họ sẽ được đào tạo thực hành để có thể vận hành thuần thục tàu. Ngoài ra, công ty đã hoàn tất công tác sơ tuyển 9 trưởng ga, 19 điều độ, 300 nhân viên nhà ga, sắp tới sẽ tuyển chọn và đào tạo. Riêng 165 nhân viên bảo trì, bảo dưỡng sẽ tuyển dụng trong quý I/2023 để các nhà thầu chuyển giao công nghệ.
"Tuy đang trong giai đoạn khó khăn vì chờ cấp kinh phí hoạt động nhưng công ty vẫn nỗ lực bảo đảm tiến độ đào tạo lái tàu cũng như phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị, phía tư vấn để xây dựng quy chế quản lý hoạt động vận tải đường sắt đô thị cũng như giá vé khi khai thác thương mại. Chúng tôi hy vọng người dân sẽ hài lòng khi trải nghiệm tuyến metro số 1" - ông Triết cho hay.
Người dân háo hức
Trong không khí Giáng sinh và chuẩn bị đón năm mới 2023, đường phố TP HCM những ngày này tươi mới hơn nhờ được trang hoàng đèn hoa rực rỡ. Ngồi bên vệ đường chờ khách, ông Nguyễn Văn Sáu (chạy xe ôm trước chợ Bến Thành) cười tươi khi nghe thông tin tàu metro số 1 sắp lăn bánh.
Đoạn đường Lê Lợi thông thoáng, sạch đẹp, du khách thoải mái đi lại sau khi tháo rào chắn .Ảnh: THU HỒNG
Chỉ tay về phía đoạn rào chắn trước mặt, ông Sáu kể cách đây hơn 2 tháng, nhà thầu đã tháo dỡ toàn bộ rào chắn trên đường Lê Lợi, đoạn từ Pasteur đến chợ Bến Thành. Tín hiệu cho thấy metro sắp hoàn thành khiến tiểu thương, du khách rất phấn khởi.
Nói về đoạn rào chắn được tháo dỡ, chị Nguyễn Thanh Thúy (tiểu thương chợ Bến Thành) hào hứng cho biết hơn ai hết, tiểu thương của chợ mong tuyến metro số 1 sớm vận hành. Bởi nó không chỉ tạo nên hình ảnh tươi mới cho TP HCM mà còn thu hút người dân đến trung tâm mua sắm, tham quan, du lịch và từ đó việc buôn bán khấm khá hơn.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, hộ kinh doanh hàng lưu niệm trên đường Lê Lợi, luôn thường trực nụ cười tươi khi được hỏi. Bà Thúy nhận xét tháo dỡ rào chắn giúp con đường khởi sắc. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, du khách dần trở lại, việc kinh doanh, buôn bán của tiểu thương thuận lợi hơn.
So với 3 tháng trước, trục đường Lê Lợi, từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố đã phong quang hơn nhờ được tráng nhựa mới. Vạch kẻ đường, mảng xanh, vỉa hè dần hoàn thiện sau khi rào chắn thi công tuyến metro số 1 được tháo dỡ. Hai bên đường, nhiều căn nhà vừa được quét lại sơn để đón người đến thuê. Đường sá thông thoáng kéo thêm nhiều du khách đến Công viên Lam Sơn chụp ảnh và các cặp đôi chụp ảnh cưới.
Hiện Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang trình UBND thành phố đề án các tuyến phố đi bộ khu trung tâm. Trong đó, đường Lê Lợi dự kiến là tuyến phố đi bộ có quy mô lớn kết nối hành khách, du khách đến tham quan trung tâm thành phố, đi tàu metro số 1 thông qua các nhà ga Bến Thành, Nhà hát Thành phố.
Toàn tuyến đạt 93% khối lượng
Tuyến metro số 1 khởi công năm 2012, dài 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Hiện nay dự án hoàn thành 93% khối lượng.
Tàu metro số 1 có 17 đoàn tàu sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi đoàn tàu có 3 toa, chứa 930 khách. Tốc độ tàu tối đa là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn ngầm). Tuy nhiên, với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn 1 km nên khi khai thác, các tàu dự kiến chạy khoảng 40 km/giờ.
Theo quy hoạch, TP HCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD.
Bình luận (0)