Ngày 2-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2021. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là khẩn trương kiểm soát dịch Covid-19.
Dịch còn tác động kéo dài
Mở đầu phiên họp, nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng đánh giá cao nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. Nhiều tình nguyện viên, các bác sĩ, các nhân viên có liên quan đã ngày đêm nỗ lực để chung tay ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 còn tác động kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập; nghiên cứu, xây dựng để sớm có gói hỗ trợ thứ 2 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ - ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch Covid-19. Lưu ý không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, thực hiện quyết liệt thông điệp "5K" của Bộ Y tế, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế xem xét sớm đưa vắc-xin Covid-19 tới người dân ngay trong quý I/2021 một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc-xin trong nước để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. Ảnh: QUANG HIẾU
Xác định F1 là nhiễm bệnh
Liên quan đến vấn đề vắc-xin, tại cuộc họp báo cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết bộ này đã ký hợp đồng nguyên tắc mua 30 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca của Anh. Lô vắc-xin đầu tiên sẽ ưu tiên tiêm cho cán bộ y tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch Covid-19; người già; đối tượng có bệnh nền nguy cơ cao và một số đối tượng ưu tiên khác.
Khó khăn là Liên minh châu Âu (EU) đang khống chế, hạn chế xuất khẩu vắc-xin, Bộ Y tế đang cố gắng qua kênh ngoại giao quốc tế đàm phán để có vắc-xin sớm nhất. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đàm phán mua vắc-xin Pfizer của Mỹ, vắc-xin Sputnik V của Nga và vắc-xin của đối tác tại Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng các tỉnh, TP đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là Hà Nội, cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước. Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế tập trung đông người phù hợp từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Xác định F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1. Thực hiện truy vết, đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả trường hợp đều âm tính; khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi giải trí, tạm dừng các hoạt động không thiết yếu.
Không "ngăn sông cấm chợ" ở các địa phương có dịch
Tại buổi họp báo cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: "Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó" .
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, không có việc "ngăn sông cấm chợ" tại các tỉnh, TP có dịch vì vừa phòng chống dịch vừa phải phát triển kinh tế - xã hội.
Trước việc Hải Dương, Quảng Ninh đang gặp khó trong việc vận chuyển hàng nông sản để tiêu thụ khi triển khai các biện pháp phong tỏa chống dịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý phong tỏa nhưng vẫn tạo điều kiện để hàng hóa ra vào, có giải pháp kiểm dịch với hàng hóa. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để không xảy ra tình trạng "ngăn sông, cấm chợ".
Đề xuất bắt buộc khai báo y tế toàn dân
Đến ngày 2-2, dịch Covid-19 đã lan ra 10 tỉnh, TP với hơn 300 ca mắc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Quảng Ninh và Hà Nội là 2 vùng dịch ghi nhận số ca nhiễm đang tăng, trong khi tại Hải Dương hằng ngày giảm và cơ bản được kiểm soát. Hiện chưa rõ nguồn lây đối với ổ dịch tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và Công ty POYUN (Hải Dương) nhưng virus gây bệnh hầu hết là biến thể SARS-CoV-2 của Anh.
Trong ngày, Bộ Y tế đã điều đội cơ động phản ứng nhanh chống Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại cuộc họp trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh - thành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Gia Lai nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm với sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP HCM. Hiện Gia Lai đã phát hiện 13 ca dương tính SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết biến thể SARS-CoV-2 ở Anh được tìm thấy trong 11/16 mẫu phân lập gien ở miền Bắc và 1 mẫu ở TP HCM. Đây là chủng virus có khả năng lây nhiễm rất cao, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây và thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao. Tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước nên trong thời gian ngắn đã lan rất nhanh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, cho biết ông ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc áp dụng bắt buộc khai báo y tế toàn dân. Những trường hợp trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề xuất hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện trong không gian kín.
Trong ngày, cả nước phát hiện thêm 31 ca mắc Covid-19. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 1.882, trong đó 994 ca do lây nhiễm trong nước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 1.461 ca, số tử vong là 35 ca.
. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP HCM tiếp tục họp về tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo Sở Y tế TP HCM, tính từ đầu mùa dịch đến nay, TP có 168 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện, trong đó 33 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 135 trường hợp nhập cảnh; 152 trường hợp điều trị khỏi. Hiện TP có 11 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 với tổng công suất tối đa là 10.000 mẫu/ngày.
. Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đang tiếp tục điều tra, lấy lời khai 5 đối tượng (trong đó có 4 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân) bị người dân vây bắt vào chiều 1-2 tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Bước đầu, 4 người Trung Quốc khai nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào ngày 24-1, được một người Việt Nam dùng ôtô đón và bố trí nơi ăn nghỉ. Trong quá trình di chuyển trên Quốc lộ 1, nhóm người này gặp chốt kiểm tra y tế của tỉnh Quảng Trị nên rẽ vào xã Vĩnh Chấp để tránh. Sau khi bị giữ chân, 5 đối tượng này đã được đưa đi cách ly tập trung.
. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử phạt 5 triệu đồng đối với bà P.T.M.O (ngụ phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trước đó, cơ quan này nhận được phản ánh của người dân trên trang tương tác Hue-S, chủ tài khoản Facebook "Tinh Dầu Tràm Huế", đăng thông tin giả mạo về phát biểu chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bà O. thừa nhận sao chép thông tin thất thiệt từ một trang mạng khác lên trang bán hàng của mình.
Ng.Dung - Ng.Thạnh - Đ.Nghĩa - Q.Tám
Bình luận (0)