Ngày 6-12, lãnh đạo UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cho biết đang trình phương án xử lý đối với 132 thửa đất là tang vật liên quan đến các sai phạm đất đai xảy ra từ năm 2016 đến 2018.
Trước đó, vào tháng 8-2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án đối với 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ TP Phan Thiết trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại địa phương này. 132 thửa đất với diện tích hơn 170.000 m2 ở các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi của TP Phan Thiết được cho chuyển mục đích trái luật, dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát.
Hơn 2 năm sau khi kết thúc phiên tòa sai phạm đất đai tại Phan Thiết, ông N.V.T (xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết) vẫn chưa biết số phận căn nhà trên nền đất 120 m² đang xây dở sẽ ra sao. Đầu năm 2019, sau khi được chuyển nhượng, ông gom hết tiền dành dụm rồi vay thêm hơn 250 triệu đồng mở móng xây dựng căn nhà này. Những tưởng sẽ thoát được cảnh ở trọ thì cuối năm 2019, TP Phan Thiết yêu cầu tạm dừng.
Khu đất tại xã Phong Nẫm (TP Phan Thiết) bị chuyển nhượng trái phép trong số 132 thửa đất tang vật vụ án
Theo tìm hiểu, trên 132 thửa đất sai phạm hiện nay đã có hàng trăm trường hợp tách thành các thửa nhỏ, nhận chuyển nhượng qua tay nhiều người. Nhiều trường hợp đã xây dựng nhà cửa, hạ tầng, hình thành nên các khu dân cư tự phát.
Trước đó, tháng 10-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị tạm dừng cho phép chuyển quyền sử dụng đất toàn bộ 132 thửa đất trên đến khi có thông báo của cơ quan tố tụng. Sau đó, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử và tuyên không thu hồi sổ đỏ và không yêu cầu dừng giao dịch tại các thửa đất là tang vật. Tháng 10-2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có Thông báo số 255-TB/BCS liên quan khắc phục sai phạm tại 132 thửa đất tại Phan Thiết. Trong đó, yêu cầu TP Phan Thiết có văn bản cung cấp thông tin, đề nghị thực hiện việc giải tỏa các văn bản ngăn chặn, tạm dừng giao dịch theo quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cho biết thành phố này sẽ có văn bản gửi Sở Tư pháp và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị tháo gỡ đối với những trường hợp đã ngăn chặn giao dịch trước đây. "Những trường hợp đã ngăn chặn nhưng đã được cấp phép chuyển mục đích, đã giao dịch lần thứ 2 trở lên thì phải tháo gỡ để người dân tiếp tục giao dịch. Còn đối với những trường hợp chưa giao dịch lần nào, theo thông báo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, TP Phan Thiết có trách nhiệm thu hồi. Những thửa đất thu hồi sau đó căn cứ quy hoạch sử dụng đất sẽ có phương án giải quyết" - ông Tân nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP Phan Thiết, trong 132 thửa đất là tang vật vụ án, hiện 91 thửa đủ điều kiện xóa bỏ việc ngăn chặn giao dịch.
"Đối với trường hợp các thửa đất bị thu hồi thì thành phố sẽ cập nhật quy hoạch sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết, trong đó có xem xét giải quyết theo nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân. Nếu các thửa đã chuyển mục đích sử dụng mà có thu tiền thì bây giờ phải thoái thu, theo phương án dự kiến" - ông Tân cho biết thêm.
Bình luận (0)