Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín vừa có buổi làm việc và trình bày với Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai một số nội dung liên quan đến dự án khu dân cư A1-C1 (đô thị Dầu Giây).
Nhiều vướng mắc
Theo báo cáo của Công ty Phú Việt Tín, dự án A1-C1 nằm ở huyện Thống Nhất được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất cho đơn vị làm chủ đầu tư với diện tích hơn 96 ha. Công ty Phú Việt Tín đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đưa vào sử dụng giai đoạn 1, 2, 3 của dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn về việc tiếp tục triển khai giai đoạn 4, 5, 6 của dự án.
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ do trong quá trình thực hiện dự án có một số nội dung chưa phù hợp với quy hoạch. Điển hình như vị trí thực hiện dự án trước đây là 2 xã Xuân Thạnh và Bàu Hàm 2 nay đổi thành thị trấn Dầu Giây. Nút giao ngã tư Dầu Giây trên tuyến Quốc lộ 1A (huyện Thống Nhất) theo kế hoạch ban đầu triển khai xây dựng nút giao thông đồng mức (vòng xoay ngã tư Dầu Giây), sau đó chuyển thành nút giao thông khác mức (cầu vượt Dầu Giây). Lộ giới Quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Dầu Giây trước đây là 98 m, sau đó điều chỉnh còn 79 m...
Dự án A1-C1 đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Để phù hợp với quy hoạch chung đô thị Dầu Giây, Công ty Phú Việt Tín đã xin điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án A1-C1. Ngày 16-6-2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án A1-C1. Đến ngày 26-10-2020, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định về việc giao đất cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 do đại dịch COVID-19, Công ty Phú Việt Tín gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án.
Ngày 18-10-2021, Công ty Phú Việt Tín nộp hồ sơ xin gia hạn điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án. Trong năm 2022, để chấp hành quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh Đồng Nai và thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế tỉnh, Công ty Phú Việt Tín đã huy động nguồn vốn để nộp tiền sử dụng đất hơn 1.000 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước đúng thời hạn theo quy định.
Ngày 19-7-2023, trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành và UBND huyện Thống Nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai có báo cáo gửi UBND tỉnh xem xét các nội dung gia hạn, trong đó có nêu nhà đầu tư được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thêm 584 ngày kể từ ngày được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư này.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều văn bản hướng dẫn các sở, ngành liên quan đến việc Công ty Phú Việt Tín xin gia hạn điều chỉnh thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa phê duyệt điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án A1-C1 khiến Công ty Phú Việt Tín gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Công ty Phú Việt Tín đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho toàn bộ dự án là hơn 1.300 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giai đoạn 4, 5, 6 và 268 lô đất giai đoạn 2.
Ngoài ra, theo các quy định và văn bản quy hoạch chung khu đô thị Dầu Giây và quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 ngày 5-11-2020 của UBND huyện Thống Nhất thì nước thải khu vực dự án A1-C1 được tập trung về trạm xử lý nước thải chung đô thị Dầu Giây của huyện Thống Nhất xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận.
Tuy nhiên, đến nay trạm xử lý nước thải chung của đô thị Dầu Giây chưa được UBND huyện Thống Nhất đầu tư xây dựng. Vì vậy, để giải quyết nhu cầu cấp thiết, Công ty Phú Việt Tín đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành xin xây dựng trạm xử lý nước thải cho khu vực phía Nam để phục vụ nhu cầu của cư dân nhưng chưa được chấp thuận.
Cần gia hạn để doanh nghiệp triển khai dự án
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tại buổi làm việc vào cuối tuần qua, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cho biết chủ đầu tư đã triển khai xong giai đoạn 1, 2, 3 dự án A1-C1. Tuy nhiên, giai đoạn 4, 5, 6 chưa được gia hạn nên Công ty Phú Việt Tín chưa triển khai dự án như kế hoạch. "Về trách nhiệm địa phương, chúng tôi mong tỉnh sớm xử lý, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp để dự án A1-C1 tiếp tục được triển khai theo kế hoạch" - ông Hiền nói.
Tương tự, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án, xây trạm xử lý nước thải... tại dự án A1-C1.
Sau khi nghe UBND huyện Thống Nhất và các sở, ngành báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh nếu chủ đầu tư không làm gì sai thì cần gia hạn tiến độ thực hiện để doanh nghiệp được tiếp tục triển khai dự án. Bởi lẽ, bây giờ dự án đang tiến hành mà yêu cầu dừng lại, hậu quả là người dân sẽ bị thiệt thòi. Còn vấn đề đấu giá đất vẫn sẽ tiếp tục bàn. Đối với trạm xử lý nước thải kết nối giữa dự án và trạm xử lý nước thải của tỉnh nếu công ty bỏ tiền ra làm, thu gom nước thải luôn thì quá tốt, đỡ gánh nặng cho địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai giao Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc với Công an tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các sở, ngành làm rõ việc nhà nước giao đất cho chủ đầu tư có gây thiệt hại không? Ban Nội chính Tỉnh ủy xử lý và trả lời trong 15 ngày trước khi tỉnh Đồng Nai gia hạn tiến độ thực hiện dự án để chủ đầu tư tiếp tục triển khai. Trên cơ sở xem xét pháp lý về đất đai phải đánh giá được nếu chủ đầu tư đúng thì nhà nước bị thiệt hại gì, giải pháp khắc phục ra sao?
"Phải có lối thoát cho doanh nghiệp, không thể để vụ việc kéo dài từ năm này qua năm khác. Nếu không có gì sai thì phải gia hạn cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án. Bên cạnh đó cũng phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định" - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty, cũng như hướng dẫn thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, vận hành thử nghiệm và sớm cấp giấy phép xây dựng trạm xử lý nước thải cho dự án.
Bình luận (0)