Ngày 9-12, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM". Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM; bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM.
Nhận rõ sự cấp thiết
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nước, thương dân. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn phải bảo đảm hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu, việc xây dựng con người văn hóa phải là giá trị cốt lõi trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà mong muốn các chuyên gia tập trung thảo luận về tính cấp thiết phải xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP HCM, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đi vào chiều sâu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, đánh giá bước khởi đầu của quá trình xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP HCM. Qua đó, nhận diện những thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình triển khai để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Phạm Phương Thảo nhận xét việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thời gian qua có những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình, thiết chế văn hóa gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác được xây dựng. Nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc, kịch, điện ảnh, cải lương rất hay và đi vào lòng người.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Phương Thảo, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít so với mong muốn, tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác. Việc học tập và làm theo Bác nên triển khai sâu rộng hơn nữa. Trước hết, cần xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. "Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đó là phẩm chất kiên cường, tiên phong, là năng động, sáng tạo, nghĩa tình gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình" - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Hình thành chuẩn mực
Theo PGS-TS Trương Thị Hiền, văn hóa là linh hồn của dân tộc, đã được khẳng định trong lý luận lẫn thực tiễn cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại nên phẩm chất của Bác rất cần được lan tỏa.
Bà Hiền cũng khẳng định không thể xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi không có sự lan tỏa văn hóa giao tiếp, ứng xử của Người đến người dân TP HCM. Chủ thể lan tỏa văn hóa này chính là cán bộ, công chức của thành phố.
"Cần nhận diện tình hình hiện nay nhằm xây dựng và phát triển văn hóa ứng xử, giao tiếp. Mỗi người dân Việt Nam, mỗi gia đình phải nhận thức rõ, nhìn lại và suy ngẫm để tự điều chỉnh, tự phê phán, loại bỏ thói hư tật xấu ra khỏi cộng đồng. Thông qua tuyên truyền, giáo dục của nhà nước, phải biết chọn lọc, học hỏi, nâng cao nhận thức của người Việt Nam" - PGS-TS Trương Thị Hiền nhìn nhận.
TS Nguyễn Văn Sáng đưa ra quan điểm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy được đặc trưng văn hóa, tính cách theo như những gì Bác đã truyền đạt qua nhiều thế hệ như khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Theo ông Nguyễn Văn Sáng, mỗi địa phương sẽ có hướng phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh riêng vì mỗi cộng đồng có những đặc điểm về dân số, trình độ, phong tục, tập quán... Các hoạt động được tổ chức tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải dựa trên quan điểm việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Cho rằng cần xác định rõ xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là việc làm tự giác, là nhu cầu khách quan của mỗi địa phương, TS Nguyễn Văn Sáng đề nghị tiếp tục triển khai các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường học tập với những hình thức đa dạng. Việc này có thuận lợi bởi tận dụng được ưu thế của cuộc cách mạng 4.0 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động. Ngoài ra, cũng cần phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định sự cần thiết xây dựng Không gian văn hóa TP HCM. Đây là công trình lớn để vinh danh, học tập Bác. Cần xây dựng làm sao cho thực chất, để người dân dễ nhận thức, dễ tổ chức thực hiện. Từ đó, xây dựng cuộc sống tốt hơn, văn minh, nghĩa tình, ấm no, hạnh phúc hơn.
"Việc xây dựng con người văn hóa phải là giá trị cốt lõi trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh… Cần có chiến lược trồng người phù hợp để góp phần hình thành chuẩn mực văn hóa con người ở thành phố mang tên Bác" - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Sáng tạo, đi vào chiều sâu
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần đi vào chiều sâu và gắn với hệ giá trị phi vật thể. Tính sáng tạo tại các không gian này phải được đặc biệt lưu ý.
Muốn vậy, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cần tìm ra đặc điểm riêng về chủ thể, không gian, thời gian của địa phương, đơn vị mình. Ngoài ra, cần xây dựng không gian văn hóa theo hướng hiện đại và tiện lợi, nâng cao chất lượng bằng việc đầu tư có trọng điểm, không nên làm dàn trải.
Bình luận (0)