xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm khai thác "mỏ vàng" ven sông Sài Gòn

LÊ PHONG

Đôi bờ sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn TP HCM được ví như "mỏ vàng" nếu được tổ chức khai thác hợp lý và bài bản

Sông Sài Gòn gắn chặt với ông Hà Quốc Quy, ngụ Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã hơn 38 năm. Hơn ai hết, ông Hà Quốc Quy có tình cảm đặc biệt với cảnh quan và bờ sông này. Để bày tỏ tình cảm của mình, nhiều năm trước, ông đã bắt đầu quay lại những thước phim về cuộc sống dân dã ven sông Sài Gòn.

Làm thử, hiệu quả thật

Những đoạn video ngắn của ông Hà Quốc Quy khi được tải lên mạng xã hội mỗi tháng thu hút hơn 5 triệu lượt xem. Rất nhiều bình luận bày tỏ mong muốn ông Quy tổ chức một chuyến đi bằng ghe dọc sông, mở quán ăn đồng quê để vừa giới thiệu đặc sản ở bán đảo Thanh Đa vừa chiếu những thước phim mà ông lưu lại mỗi ngày.

Giữa năm 2019, mong muốn của nhiều người được ông Quy thử nghiệm qua việc mở một quán sân vườn với nhà vườn và ao cá, cũng như "làm nhẹ" vài chiếc ghe đưa khách tham quan một đoạn sông Sài Gòn. "Hồi đó - tức khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, quán sân vườn của tôi lúc nào cũng kín chỗ. Rất nhiều người định cư ở nước ngoài về Việt Nam thăm gia đình đã xin đăng ký để được trải nghiệm dạo sông, thưởng thức các món ăn vốn là đặc sản của sông Sài Gòn" - ông Quy kể. Ông nói ban đầu chỉ tính làm thử thôi nhưng không ngờ lại "ăn" thật.

Từ câu chuyện trên, ông Quy cho rằng nếu TP HCM quy hoạch tốt cảnh quan sông nước thì chắc chắn sẽ tạo ra nguồn thu lớn. "Trong suốt quá trình theo dõi lượng khách đến với mình, tôi thấy cứ đến mỗi cuối tuần, tâm lý của rất nhiều gia đình là muốn về quê hoặc ra bờ sông nào đó để dạo chơi, ăn uống. Nếu đầu tư chỉnh trang lại hai bờ sông Sài Gòn để khai thác các dịch vụ liên quan, tôi bảo đảm sẽ thành công" - ông Quy quả quyết.

Sớm khai thác mỏ vàng ven sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, từ nay đến trước năm 2025, TP HCM sẽ xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng dọc sông Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Để kế hoạch không còn nằm trên giấy, cần có sự tham gia từ nhiều nguồn lực xã hội. Vì vậy, UBND TP HCM cần có quy chế quản lý, sử dụng khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện dễ dàng hơn".

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

Theo bà Mai Thị Kiều, một hướng dẫn viên du lịch, nhu cầu hóng mát, dạo chơi bên bờ sông lộng gió ở TP HCM của người dân và du khách là rất cao. "Mỗi khi dẫn khách từ phía Bắc vào TP HCM, tôi nhận thấy họ đều có mong muốn được đi dọc sông Sài Gòn. Tuy nhiên, tour tuyến hiện khá đắt nên chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn khách tham quan dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tàu Hũ - Bến Nghé. Nói thật, cảnh quan 2 bên bờ sông Sài Gòn vẫn bị bỏ ngỏ khiến chúng tôi tiếc đứt ruột. Nơi đây mà được quy hoạch hợp lý và bài bản sẽ là "mỏ vàng" để khai thác du lịch và dịch vụ" - bà Mai Thị Kiều nhấn mạnh.

Để chứng minh cho nhận định của mình, bà Mai Thị Kiều dẫn chứng sông Chao Phraya ở Bangkok - Thái Lan có địa hình như sông Sài Gòn. Thấy rõ tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ, chính quyền nơi đây liền tiến hành quy hoạch hai bên bờ sông và khai thác hiệu quả. Hiện nay, sau khi đi tham quan chùa thì người dân và du khách sẽ theo ghe ra giữa sông Chao Phraya cho cá ăn, xem cá nổi. "Mỗi ngày có hàng chục ngàn người tìm đến hai bờ sông này để vui chơi, hóng mát và ăn uống, lợi nhuận theo đó thu về không nhỏ" - bà Mai Thị Kiều cho biết.

Cần sớm "hái tiền"

Nhìn rõ những lợi thế từ sông rạch mang lại chứ không riêng gì sông Sài Gòn, mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đã trình UBND thành phố dự thảo quyết định ban hành đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025. Trong văn bản, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, nêu rõ: "Sông Sài Gòn từng có nhiều hoạt động thương mại dịch vụ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, nếu quy hoạch tốt sẽ kích thích sự phát triển đô thị".

Theo kế hoạch từ nay đến trước năm 2025, xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng dọc sông Sài Gòn. Cụ thể, làm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp ven bờ kè, xây dựng không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị; tổ chức hoàn thiện chuỗi không gian đô thị dọc bờ sông, chuỗi không gian này sẽ có đặc trưng, bản sắc đô thị sông nước, có sức hấp dẫn, thân thiện với môi trường.

Để thực hiện được việc này, UBND TP HCM sẽ kêu gọi các tập đoàn trong và ngoài nước có đủ năng lực tham gia. Trước mắt, ưu tiên đầu tư tại khu vực trung tâm văn hóa, lịch sử hiện hữu như khu vực quận 1, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Giai đoạn 2025-2045, đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.

Nói về kế hoạch trên, KTS Lâm Tú Thành, Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam, cho rằng đây là kế hoạch hợp lý nên cần được sớm thông qua. Bởi lẽ, ngoài lợi ích về kinh tế, cảnh quan thì đây còn là cơ hội để giải quyết bài toán thiếu diện tích công cộng, cây xanh mà lâu nay người dân TP HCM đang cần.

"Tuy nhiên, không nên quy hoạch dàn trải mà nên xem xét từng khu vực nhỏ theo từng giai đoạn. Theo đó, trong 5 năm tới, cần quy hoạch bờ kè sông đi ngang qua khu vực bán đảo Thủ Thiêm, quận 7 vì đây đã có hạ tầng và nhiều kết nối tiện ích được đầu tư sẵn" - KTS Lâm Tú Thành đề xuất. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo