xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

QUỐC ANH

TP HCM đang bước vào mùa mưa nên hàng triệu người dân mong ngóng dự án ngăn triều trị giá gần 10.000 tỉ đồng sớm tái khởi động

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỉ đồng (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng), ban đầu dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2019. Tuy nhiên, dự án tạm ngưng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020.

Sớm tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Tính đến nay, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã tạm ngưng thi công 3 lần. Ảnh: QUỐC ANH

Kiến nghị khẩn

Sốt ruột với công trình trọng yếu, giúp hàng triệu người dân hưởng lợi vẫn đang "đắp chiếu", Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM vừa có báo cáo gửi HÐND TP HCM xem xét để tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM, tháng 4-2021, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP về tiếp tục triển khai dự án. Sau đó, UBND TP HCM đã tổ chức họp về việc thực hiện nghị quyết và đến tháng 10-2021 ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2020 thành 2016-2023. Tháng 1-2021, UBND TP HCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước về các nội dung liên quan đến dự án, theo đó, để có cơ sở thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, tái cấp vốn cho dự án, thành phố cần phải duyệt điều chỉnh dự án, ký kết phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư.

Ðể tháo gỡ vướng mắc cho dự án, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm tổ trưởng tổ đàm phán khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức đàm phán phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với nhà đầu tư. Trong đó, điều chỉnh thời gian giải ngân tái cấp vốn, gia hạn thời gian đến tháng 9-2023; điều chỉnh thời gian thanh toán đầu kỳ đến khi công trình hoàn thành (tháng 11-2023) kèm theo điều kiện giá trị thanh toán căn cứ vào giá trị được Kiểm toán Nhà nước thực hiện. "Ðến ngày 19-4-2022, UBND TP HCM đã chấp thuận về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Ðầu tư về kết quả đàm phán đã được các thành viên thống nhất, thông qua; đồng thời giao Sở Nội vụ tham mưu chủ tịch UBND TP HCM ủy quyền ủy viên UBND TP HCM - giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định trước ngày 23-4" - lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM thông tin. Do đó, ngày 27-4, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP HCM đề xuất Sở Kế hoạch và Ðầu tư xem xét thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP HCM - ký kết phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Ngoài ra, Sở Tài chính cần sớm tham mưu UBND TP HCM về nội dung xác nhận biểu báo cáo cho vay và thanh toán của dự án để chuẩn bị cho buổi làm việc giữa UBND TP HCM và Ngân hàng Nhà nước (sau khi phụ lục hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án được ký kết).

Trước diễn biến trên, thông tin từ HÐND TP HCM cho biết HÐND TP HCM đã có Kế hoạch 225/KH-HÐND-ÐT về tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án. HÐND TP HCM cho hay hiện nay các đơn vị liên quan đang gửi báo cáo về HÐND TP HCM xem xét để tổ chức thực hiện.

Liên quan đến dự án này, tháng 5-2019, Chủ tịch HÐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn giám sát của HÐND TP HCM từng khảo sát thực địa một số hạng mục dự án. Khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu cơ quan chức năng trực tiếp giám sát chặt chẽ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để dự án về đích đúng hẹn.

Sớm tái giám sát dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Người dân ở đường Bến Phú Ðịnh (quận 8, TP HCM) dùng bao cát để ngăn nước tràn vào nhà mỗi khi thủy triều lên cao. Ảnh: LÊ VĨNH

Cần sớm thực hiện

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng việc giám sát của HÐND TP HCM là rất cần thiết để thúc đẩy UBND TP HCM giải quyết vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 40 năm 2021 của Chính phủ. Theo ông, công tác giám sát phải làm rõ trách nhiệm các bên khiến dự án bị đình trệ, chậm tiến độ và giải quyết rốt ráo trên tinh thần bám sát hợp đồng và thượng tôn pháp luật. Ðặc biệt, giám sát tiến độ, trách nhiệm công việc của các sở, ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ vướng mắc cho dự án theo chỉ đạo của UBND TP.

Theo TS Võ Kim Cương, Sở Kế hoạch và Ðầu tư chậm ký phụ lục hợp đồng thì chắc hẳn bên trong phải có lý do và cuộc giám sát cần chỉ ra được lý do để có giải pháp khắc phục. "Giám sát phải xác định vướng mắc ở đâu? Sở Kế hoạch và Ðầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP và nói rõ lý do" - TS Võ Kim Cương nêu quan điểm.

TS Võ Kim Cương cho rằng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là sự mong đợi từ rất lâu của hàng triệu người dân thành phố. Ngoài ý nghĩa quan trọng là chống ngập thì dự án này còn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân thành phố ở những góc độ khác. Theo đó, dự án có ý nghĩa xác định cốt nền xây dựng, bởi trước đây nhiều khu vực buộc phải san lấp nâng nền cao 2 m, tuy nhiên với công trình đê kè, van ngăn triều thì cần xem lại, không nhất thiết làm nền cao. Ngoài ra, dự án khi vận hành sẽ làm thay đổi môi trường cảnh quan sông, rạch của thành phố. "Công trình có tác dụng lớn là giữ mức nước ổn định cho kênh, rạch và giúp chúng trở thành hồ điều tiết, hồ cảnh quan rất đẹp, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Chứ bây giờ nước rút thì lộ bùn, rác thải lên, vừa xấu lại vừa hôi" - TS Võ Kim Cương nói.

Chuyên gia này cho rằng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng trong tầm tay của thành phố, không vì những "khiếm khuyết" mà khiến dự án kéo dài không đáng có. Quan trọng nhất là sớm cho hàng triệu người dân có cuộc sống tốt hơn mỗi khi mưa lớn, triều dâng. "Người dân bức xúc khi dự án chậm tiến độ là đúng. Vì vậy, thành phố phải tập trung chỉ đạo rốt ráo, trên tinh thần thượng tôn pháp luật để dự án sớm về đích, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân" - TS Võ Kim Cương đề nghị.

Nói tới dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng thì người dân sống ở khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7) và đường Bến Phú Ðịnh (quận 8) là những người mong đợi nhất. Ám ảnh cảnh ngập "đường biến thành sông", bà Lê Thị Ngân chỉ tay về cống ngăn triều Tân Thuận mà than ngắn thở dài: "Chúng tôi hay tin dự án sẽ hoàn thành năm 2020 nhưng sau đó lại ngưng thi công. Từ đó đến nay thì bặt tin, không biết khi nào thi công trở lại. Ngày nào cửa van được hạ xuống khi triều lên thì đời sống người dân mới khá hơn. Dự án đúng tiến độ thì 2 năm qua cuộc sống người dân tốt biết bao".

Khi được chúng tôi thông tin HÐND TP HCM đã có kế hoạch tái giám sát dự án, bà Ngân mong sau đợt giám sát này, dự án sẽ sớm được hoàn thành để ước mơ của người dân thành hiện thực sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi. 

Triển khai nhiều dự án chống ngập

Theo Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TP HCM giai đoạn 2020-2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, năm 2022, TP HCM sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3) và hoàn thành năm 2027. Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2028.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2). Ðồng thời, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thi công và hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Theo tính toán của TP HCM, sau khi các nhà máy xử lý nước thải trên đi vào hoạt động, tỉ lệ nước thải được xử lý trên toàn thành phố sẽ đạt 88,3%.

TP HCM cũng sẽ xây dựng đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả quận Thủ Ðức (từ rạch cuối đường số 26 đến cuối đường số 3); cống kiểm soát trên sông Kinh, rạch Tra, Vàm Thuật, Nước Lên; tuyến kè kênh Tẻ dọc đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính là rạch Bà Tiếng, rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Ðào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè 2 bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (đoạn từ sông Chợ Ðệm đến cầu Tham Lương dài 19 km) trong giai đoạn 2021-2025.

Ph.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo