Những sơn nữ này tuổi đời chỉ mới 20 - 30 nhưng đảm nhận công việc đòi hỏi phải có đủ sức vóc và cơ bắp. Đó là phòng chống cháy rừng và tham gia tuần tra, giữ rừng cộng đồng.
Sợ nhất là cháy
Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có một khu rừng đặc biệt. Đó là rừng len xanh - loài cây họ tre, to bằng đầu ngón tay, nằm cheo leo trên lèn đá. Khu rừng này chỉ rộng tầm 3 ha, nằm ngay chân đèo Sa Mù nối liền 2 xã Hướng Phùng và Hướng Việt. Cả vùng núi non Chênh Vênh chỉ duy khu vực lèn đá này có loài len xanh sinh sống.
Rừng len xanh nằm trên lèn đá cheo leo
Bao đời nay, len xanh dường như không có giá trị gì, thỉnh thoảng người dân chỉ đốn cây làm cần câu cá. Năm 2018, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã hỗ trợ khoảng chục hộ dân thôn Chênh Vênh sản xuất một số sản phẩm từ cây tre để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có cây len xanh - nguyên liệu chế biến ống hút thân thiện với môi trường.
Kể từ đó, rừng len xanh được ưu tiên bảo vệ và người dân khai thác một cách chọn lọc. Len xanh ở Chênh Vênh mọc thành khóm, mỗi khóm có 5 - 50 cây. Tuy nhiên, không phải cây nào cũng làm được và cây chỉ cho khai thác vào mùa khô, khi đã già. Mỗi cây len xanh như vậy sản xuất được 3 - 7 ống hút. Sản phẩm sau khi làm ra được MCNV bảo đảm đầu ra với giá khoảng 2.000 - 3.000 đồng/ống hút.
Để bảo vệ rừng len xanh, MCNV cùng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đã thành lập một tổ nữ gồm 6 thành viên. Nhiệm vụ chính của tổ này là tuyên truyền người dân địa phương bảo vệ rừng len xanh và theo dõi, không để rừng bị cháy.
Ống hút làm từ cây len xanh
Chị Hồ Thị Lý (31 tuổi), phụ trách tổ nữ giữ rừng Chênh Vênh, cho biết vào năm 2020, dù theo dõi sít sao nhưng rừng len xanh bất ngờ bị lửa thiêu rụi. Khu rừng lại nằm cheo leo trên lèn đá nên gần như các biện pháp chữa cháy thông thường không thể can thiệp được. Người dân Chênh Vênh ai cũng bùi ngùi, ngẩn ngơ tiếc nuối. Tuy vậy, từ đống tro vùi, cây len xanh đã mọc trở lại và rất xanh tốt.
"Rút kinh nghiệm vụ cháy trước đó, tổ nữ giữ rừng đã tăng cường theo dõi và tuyên truyền người dân bảo vệ rừng len xanh. Trong các cuộc họp thôn, họp làng, chúng tôi đều lồng ghép, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo vệ, không được đốt lửa hay hút thuốc trong rừng len xanh" - chị Lý nhớ lại.
Vì ảnh hưởng vụ cháy nên năm qua, người dân thôn Chênh Vênh không thể khai thác len xanh. Dự kiến trong tháng 3 tới đây, việc khai thác, sản xuất ống hút từ len xanh mới bắt đầu triển khai trở lại. "Mỗi năm, từ sản xuất ống hút và các sản phẩm từ cây tre, người dân Chênh Vênh thu nhập gần chục triệu đồng/hộ. Có việc làm, có thu nhập khá nên ai cũng phấn khởi, cũng ra sức giữ rừng" - chị Hồ Thị Khê (20 tuổi), thành viên tổ nữ giữ rừng Chênh Vênh, cho biết.
Sản phẩm làm từ tre và len xanh (Ảnh: MCNV)
Theo ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, ngoài rừng len xanh, thôn đang quản lý cánh rừng tự nhiên rộng gần 800 ha. Từ khi được giao rừng, cộng đồng thôn đã thành lập ban quản lý, ban giám sát và 7 tổ bảo vệ gồm 42 người. Tất cả thành viên đều tham gia giữ rừng với tinh thần tự nguyện, dù không được hỗ trợ khoản tiền nào.
Rừng là của chung
Nếu như ở Chênh Vênh, "phái yếu" chỉ được giao giữ rừng len xanh thì ở thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, nhiều chị em phụ nữ còn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cộng đồng. Hằng tháng, họ lại cơm đùm gạo bới băng rừng cùng tuần tra với cánh đàn ông trong thôn.
Năm năm trước, thôn Hồ được nhà nước giao bảo vệ 868 ha rừng tự nhiên đầu nguồn. Thôn đã thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng gồm 22 người, trong đó có 2 phụ nữ. Các thành viên của ban quản lý được chia thành nhiều tổ giữ rừng để luân phiên tuần tra, theo dõi từng khu vực được giao phó.
Chị Hồ Thị Son (30 tuổi) là một trong 2 thành viên nữ của Ban Quản lý bảo vệ rừng thôn Hồ. Chị bảo vì sinh ra nơi núi rừng nên việc đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng "bình thường như đi làm rẫy thôi mà". Son cho hay rừng cộng đồng thôn Hồ còn nhiều động vật như khỉ, hươu, nai và nhiều cây gỗ lớn như dẻ, chân chim.
Hàng tháng, tổ tuần rừng của chị Sơn vào rừng tuần tra 4 lần. Đoàn thường xuất phát vào rừng lúc sáng sớm và trở về lúc tối mịt. Khi phát hiện dấu vết lạ, nhóm chụp ảnh, ghi chép lại rồi báo cáo lên ban quản lý và các cấp chính quyền để ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Chị Hồ Thị Son (bên phải) tuần rừng cùng thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ
"Tuần rừng rất vui vì giúp tôi biết thêm cây gỗ quý và động vật. Tôi từng thấy đàn khỉ trên cây và gặp rắn trong một số lần tuần tra rừng. Ở đây rất hiếm khi xảy ra việc chặt phá cây rừng bởi tinh thần giữ rừng của bà con rất cao. Rừng là của chung nên tôi nghĩ ai cũng phải bảo vệ, không kể nam hay nữ" - chị Son bày tỏ.
Nhờ bảo vệ tốt rừng đầu nguồn nên hằng năm, người dân thôn Hồ nhận hơn 600 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này không chỉ các thành viên trong ban quản lý được hưởng mà được chia đều các hộ dân trong thôn. "Cái lý" của người dân thôn Hồ đưa ra là dù người dân không tham gia ban quản lý nhưng họ không phá rừng, giúp báo tin, hỗ trợ giữ rừng. "Khi mình không tham gia ban quản lý nữa thì sẽ có người khác tình nguyện vào thay thế ngay" - chị Son khẳng định.
Ông Lê Minh Vũ, cán bộ MCNV, cho hay trong năm 2019, hàng chục ngàn sản phẩm như ống hút, cốc, hộp từ tre ở Tây Quảng Trị đã cung ứng ra thị trường (chủ yếu ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Hai năm qua, do tình hình bão lũ, sạt lở đất và dịch Covid-19 nên sản phẩm cung ứng ra thị trường không đáng kể. "Năm nay, nếu dịch bệnh được kiểm soát, du lịch hồi phục trở lại thì việc cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm này rất khả quan" - ông Vũ nhận xét.
Theo ông Vũ, đối với cây len xanh, sau khi thu hoạch, các hộ dân sử dụng máy do MCNV hỗ trợ để cắt từng đốt, luộc vô trùng trong 5 - 6 giờ. Sau khi luộc, len xanh được cạo hết lớp trên bề mặt và chùi hết lớp phấn bám bên trong lòng ống. Sau đó, mang phơi nắng trong 2 - 3 ngày rồi mài nhẵn hai đầu ống và bó thành từng bó nhập cho đơn vị bao tiêu sản phẩm ở Quảng Nam tinh chế, trước khi cung cấp ra thị trường.
Bình luận (0)