Một ngày, đứng ở đầu nguồn sông Nậm Nưa, tỉnh Điện Biên, tôi nhặt cánh hoa bỏ vào chiếc chai và thả trên sông. Lần khác, bên dòng sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Lắk, tôi thả một gốc cây nhỏ xuống dòng. Cả cánh hoa, gốc cây nhỏ đều ngược ra dòng Mê Kông. Rồi từ Mê Kông, cánh hoa, gốc cây lại trôi về miền Nam nước Việt qua ngả sông Tiền, sông Hậu. Cánh hoa ra biển Đông, gốc cây được bờ bãi giữ lại, mọc tươi tốt bên xóm làng trù phú.
Trầm tích cùng huyền sử. Đó không phải là giả thuyết, đó là một giấc mơ và giấc mơ hoàn toàn có thể thành hiện thực, bởi thực tế hiển nhiên và sinh động như đã hình dung. Đó quả là điều tuyệt vời, thiêng liêng và kỳ diệu. Cũng như lúc đứng ở Trường Sa hay khi chúng ta chào cờ dưới cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) ở cực Bắc, bên ngọn hải đăng ở mũi Điện (Phú Yên), cực Đông trên đất liền của tổ quốc, cảm xúc tự hào xen lẫn xúc động dâng lên ngập tràn trong mỗi người, trên gò má không ít người đã lăn những dòng lệ nóng.
Tổ quốc thiêng liêng, non sông càng thêm tươi đẹp. Những dòng sông trên đất nước này không chỉ chuyên chở phù sa, tưới tắm cho cánh đồng, bờ bãi, mà còn mang theo bao chiến tích, phủ một lớp sương huyền thoại như mặt sông lúc hoàng hôn. Con sông đó, vua tôi nhà Trần từ trên những chiếc thuyền lên bờ dựng nghiệp, xóm ấp mọc lên và khai sinh một triều đại huy hoàng. Con sông đó, ngày nào vua Lê cùng quần thần tắm ngựa sau những ngày rong ruổi chiến trận, khải hoàn trở về. Con sông đó, Trịnh - Nguyễn mấy trăm năm chia bờ cõi, bính quyền, kẻ theo chúa Nguyễn vào Nam, người ở lại miền Bắc theo phò vua Lê hay chúa Trịnh, dòng sông là nhân chứng của lịch sử tang thương. Sông chở che, bao phủ, sông soi rọi thành bại, hơn thua. Chiến tích lẫy lừng hay bi kịch đau thương cũng khởi phát từ sông, chìm xuống đáy sông, trầm tích cùng huyền sử.
Lòng dân không thể nào chia cắt. Dải đất miền Trung hẹp bề ngang, sông từ nguồn ở Trường Sơn đổ dốc lần ra biển. Sông không dài nhưng lại rộng, nhiều đoạn mênh mông vời vợi, đến nỗi một cách ngăn bởi phân tranh đã là dằng dặc mà có khi hết mấy đời người cũng là vô vọng tìm nhau. Như con sông Gianh ở Quảng Bình. Lớn lên, đi nhiều, tôi mới hiểu vì sao đường sắt từ Nam ra Bắc khi đến gần dòng sông thì phải chạy men theo bờ nam của dòng sông từ huyện Bố Trạch qua thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa của Quảng Bình rồi chạy qua các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, đổ dần về Đức Thọ ở vùng trung du của Hà Tĩnh, từ đó đến huyện Hưng Nguyên rồi thành Vinh của tỉnh Nghệ An. Bởi con sông lớn quá, trình độ kỹ thuật và điều kiện thời đó chưa cho phép người Pháp làm cầu đường sắt và đường bộ. Những cách trở, chia lìa trải qua bao thế hệ song người Việt vẫn cố kết, tạo lập xóm làng, giữ đất giữ người, dựng nền văn hóa, nghĩa trọng tình thâm…
Quê tôi bên dòng sông Thạch Hãn, cách Cửa Việt chỉ 3 cây số. Con sông mùa nắng thì trong xanh, mùa mưa lụt thì nước bạc mênh mang tràn về. Cách không xa về phía Bắc là sông Bến Hải đổ ra Cửa Tùng. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho đào con sông Cánh Hòm nối sông Thạch Hãn với sông Bến Hải, từ đó các vua chúa tuần du từ Huế ra hay nghỉ mát ở Cửa Tùng đều rất thuận tiện. Đôi bờ Bến Hải là cầu Hiền Lương một thời chia đôi đất nước nhưng không thể cắt chia lòng người dân Quảng Trị như câu hò bên bờ Hiền Lương da diết vọng về.
Thuở nhỏ tôi học trường Nam, bên chân thành cổ Quảng Trị, cách sông Thạch Hãn không xa. Không chỉ 81 ngày đêm hào hùng ở thành cổ mà suốt mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ, bao chiến sĩ giải phóng đã nằm lại dưới đáy sông. Nhiều người dân quê tôi vẫn nói thấy anh linh các liệt sĩ vào những đêm tối trời, mặt sông lấp lánh lân tinh. Trong những vòng hoa thả xuống sông những ngày lễ, nghe trong gió gờn gợn mặt sông có tiếng các anh bước về.
Hạnh phúc đời người. Ở miển Tây Nam bộ, những dòng sông chia cắt địa hình thành hàng trăm cù lao. Những cù lao lớn như cù lao Lợi Quan gồm cả một huyện Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang, cù lao Dung trên sông Hậu là địa giới của một huyện cùng tên ở tỉnh Sóc Trăng. Lớn hơn nữa có cù lao ông Chưởng, cù lao Giêng trên hai sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao bao bọc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Riêng cù lao Minh trên sông Tiền là lớn nhất, chiếm gần nửa diện tích của tỉnh Bến Tre với 4 huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và một phần huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long…
Cù lao là đãi ngộ của thiên nhiên dành cho con người, sau hàng ngàn năm phù sa bồi lắng mà thành hình, qua công sức lao động của con người để nên xóm làng trù phú, cây trái sum suê, con người hiền lành, thanh tú, chẳng hạn cù lao Tân Lộc, Cần Thơ nổi danh miền gái đẹp như Nha Mân của Đồng Tháp cách đó không xa. Bà bác thân thiết với gia đình tôi, người Cai Lậy, nói ngày nhỏ bà sống ở cù lao Tân Phong, thấy cù lao cứ rộng thêm ra. Bốn bề sông Tiền bát ngát, chèo đò cả buổi mới vào tới chợ Cái Bè, Cai Lậy…
Ngoài các dòng sông, hệ thống kênh đào góp phần làm nên sự thuận tiện trong thông thương, như các con kênh Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Xà No, đặc biệt là kênh chợ Gạo để nối sông Mê Kông với các sông của hệ thống sông Đồng Nai như Vàm Cỏ, Lòng Tàu…, nối miền Tây với miền Đông Nam bộ. Tương tự, sông Đuống, sông Luộc ở miền Bắc nối hệ thống sông Hồng với sông Thái Bình, giúp tàu thuyền thời trước vào cảng Hải Phòng rồi theo hệ thống sông Thái Bình xuôi về sông Hồng, Hà Nội… Nhưng hôm nay, qua dòng sông Thị Vải của Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, thấm thía nỗi vui của dân đôi bờ lúc con sông sống lại sau thảm họa môi trường năm 2008, lại xót xa khi hàng trăm dòng sông trên đất nước này bị "ám sát" bởi chất thải độc hại, bởi tàu hút cát đêm ngày…
Lênh đênh trên những dòng sông, bao người đã xúc động khi về với sông Bạch Đằng, ghi dấu chiến công lẫy lừng qua các bãi cọc chôn vùi bao thuyền chiến của giặc; qua Rạch Gầm - Xoài Mút nhớ Nguyễn Huệ đuổi giặc Xiêm; dòng Nhật Tảo ghi chiến công đốt cháy tàu giặc Pháp của anh hùng Nguyễn Trung Trực... Bên cột mốc tọa độ quốc gia ở mũi Cà Mau, bao nhiêu người miền Trung, miền Bắc đã rơi nước mắt vì xúc động. Đời người, đi và đến đã là hạnh phúc. Đến và cảm nhận về tổ quốc thiêng liêng cũng như là sự mãn nguyện với những người bước qua tuổi xế chiều. Lòng yêu nước không cần những lời hoa mỹ, bởi khởi phát từ tâm, khi ta lớn lên, nói bằng tiếng Việt thiêng liêng.
Chiến tích lẫy lừng hay bi kịch đau thương đều khởi phát từ sông.
Bình luận (0)