Hơn 8 tháng khi Báo Người Lao Động đăng loạt 5 bài "Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai" (khởi đăng ngày 27-8-2018), con sông này có vẻ như đã được hưởng những ngày yên bình hơn khi chính quyền quan tâm vào cuộc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những đoạn, khúc sông đang phải oằn lên để gồng gánh những cơn đau, những vết thương loang lổ do ô nhiễm và vấn nạn "cát tặc" gây ra.
Ngang nhiên "róc thịt" vùng thượng nguồn
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi chứng kiến tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người dân ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, có sông Đạ Huoai, nhánh sông đổ vào thượng nguồn sông Đồng Nai, sát nách Vườn Quốc gia Cát Tiên. Khi chúng tôi đến, hơn 20 hộ dân đã "vây" lại, cho biết tiếng kêu cứu của họ từ lâu nay chẳng được ai nghe, không những thế còn bị đe dọa (!?).
Người dân xã Nam Cát Tiên cho biết khi ghe hút cát áp sát bên bờ, họ tập trung để phản đối nhưng không cản được “cát tặc”
Đó là hơn 20 hộ dân ở ấp 3, xã Nam Cát Tiên. Họ là chủ của những thửa đất trồng hoa màu dọc hai bên sông. Hơn một năm nay, nhiều chiếc ghe trang bị vòi rồng gầm rú ầm ĩ thường xuyên cạp vào bờ, khoét sâu vào đất hoa màu để hút ngoạm cát khiến vườn tược "bay" cả xuống sông. Mất đất đai, tài sản, họ đi trình báo, gửi đơn hay gọi điện báo chính quyền địa phương nhưng không kết quả. Ông Trần Xuân Chỉnh, người dân tại đây, cho biết khi ghe hút cát áp sát bên bờ, người dân tập trung để phản đối, nhưng không cản được "cát tặc".
Nhiều người dân khác cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, "cát tặc" ém quân, nằm im một thời gian nhưng mấy tháng nay tình trạng lại như cũ. "Chúng tôi kêu cứu khắp nơi, dù nghèo nhưng còn có miếng đất vườn để sau này con cái lớn lên không có nghề nghiệp thì còn có đất để theo cha mẹ làm nông mưu sinh rồi lập gia đình, giờ đây trôi tuột cả, có nơi lở loét sâu hàng chục mét…" - nông dân Đinh Văn Thuận phản ánh.
Theo ông Thuận, dọc con sông vốn hoang dã giờ đây lở loét những vực sâu. Dưới lòng sông mùa cạn, cả dải sông bị băm nát bởi xe ben chở cát tập kết ngay hai bên bờ. Từ triền cao, có thể nhìn thấy những bãi tập kết cát khổng lồ do xe ben và ghe chở vào, đổ tràn nhiều nơi trong vùng. "Chúng tôi mất tài sản, còn bị đe dọa. Nhiều lần "giang hồ" tìm đến nhà dọa đánh, rồi còn thương lượng mua đất bên bờ để khai thác cát, giống như một dạng đền bù nhưng chúng tôi nhất quyết không bán…" - một người dân nói nhưng đề nghị giấu tên vì sợ bị trả thù.
Gần 20 năm "xử" không xong 1 điểm nóng ô nhiễm
Ngoài vấn nạn khai thác cát lậu tái diễn ở thượng nguồn, tình trạng nước thải hòa nước sông Đồng Nai vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Điển hình là đoạn sông Đồng Nai ở vùng giáp ranh TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai, hiện hai bên bờ sông hệ thống cống nước xả thải nơi len lỏi, nơi ồ ạt chảy ra. Ở đoạn chảy qua TP Biên Hòa, con sông đang oằn mình gánh nước thải của đô thị hơn triệu dân, cùng với các khu công nghiệp (KCN). Phía quận 9 (TP HCM), thị xã Dĩ An (Bình Dương) với các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp (đã xử lý hay chưa qua xử lý) cũng dồn về sông Đồng Nai.
Trong các nguồn xả thải trên, các cơ quan chuyên môn đánh giá nguồn xả từ KCN Biên Hòa 1 là nguy hiểm nhất. Nhắc đến KCN này thì phải nhắc đến độ "nóng" của nó. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường một lần nữa đốc thúc việc thực hiện giải tỏa, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. "KCN Biên Hòa 1 đang gây ô nhiễm môi trường rất lớn cho sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân các tỉnh Đông Nam Bộ, đây là vấn đề cấp bách nhất" - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.
Lần giở lại hồ sơ "xử" KCN Biên Hòa 1 mới thấy chủ trương giải tỏa KCN này để cứu sông Đồng Nai đã có từ 19 năm trước, đã được Thủ tướng đồng ý nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện rốt ráo. Hiện tại KCN Biên Hòa 1 có khoảng 80 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, mỗi ngày xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có một phần nhỏ được xử lý.
Theo hồ sơ, đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 được giao cho Công ty Phát triển Sonadezi thực hiện. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sonadezi, cho biết đề án đã thực hiện xong nhưng các bước tiếp theo vẫn chưa được triển khai. "Chúng tôi đã thực hiện xong đề án, bây giờ là các công đoạn thuộc tỉnh thực hiện, nhưng có vẻ còn vướng mắc ở công đoạn nào đó nên tỉnh chưa thực hiện được" - bà Hằng thông tin.
Thiếu sự quyết liệt
Trong khi đó, báo cáo với lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng Đồng Nai cho rằng sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, các cơ quan này đã có sự giám sát thường xuyên hơn đối với việc xử lý chất thải, đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước mặt trên sông; gấp rút xây dựng kế hoạch di dời KCN Biên Hòa 1… Đặc biệt, theo thông tin từ các đơn vị giám sát môi trường tại tỉnh Đồng Nai, các tỉnh, thành thuộc lưu vực đều đã và đang tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera ở những nơi có nguồn thải lớn để giám sát. Trong thời gian tới, 11 tỉnh, thành sẽ tiếp tục có những giải pháp khắc phục ô nhiễm, cụ thể như các KCN phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các khu đô thị lớn ven sông phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt… Thế nhưng, kết quả quan trắc mà chúng tôi có được vào cuối năm 2018 xác định vẫn còn nhiều khu vực nước sông ô nhiễm nặng, thuộc khu vực Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trở lại việc vùng thượng nguồn bị "róc thịt", theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động phá sông nói trên là do một DN được cấp phép khai thác cát thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng lại sang hút trộm cát và gây tan hoang cả khu vực sông thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong vai người nông dân nghèo, chúng tôi tìm đến phản ánh với UBND xã Nam Cát Tiên, thì ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên, phân trần: "Chúng tôi lập cả đội phản ứng nhanh, có cả sự phối hợp với phía tỉnh Lâm Đồng để can thiệp, chúng tôi quyết tâm lắm nhưng… vẫn không giải quyết dứt điểm được".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho rằng thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực, quan tâm đến môi trường vì đây là "điểm nóng", cũng như sự quan rất lớn đến các vấn đề sông Đồng Nai. "Tuy vẫn còn những tồn tại song tôi khẳng định các vấn đề đối với sông Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã có nhiều cải thiện…" - ông Đức nói và cho rằng đây là dòng sông lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành nên cần có sự liên kết, phối hợp nhiều hơn nữa, cũng như cần quyết liệt hơn nữa giữa các bên trong việc bảo vệ sông.
Cũng theo ông Đức, tình trạng vùng thượng nguồn sông đang bị "róc thịt", Đồng Nai "đang liên hệ phối hợp với phía tỉnh Lâm Đồng giải quyết". Tuy nhiên, khi được hỏi về các số liệu chứng tỏ việc các vấn đề về sông đang được cải thiện, ông Đức đề nghị làm văn bản yêu cầu cung cấp thông tin để báo cáo lên trên (?!).
Hàng trăm tấn cá chết bất thường
Trong diễn biến sông Đồng Nai gặp nhiều vấn nạn thì trên sông La Ngà (phụ lưu của sông Đồng Nai) đoạn qua xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai ngày 16-5 lại diễn ra tình trạng tại làng nuôi cá bè (lồng) hàng trăm tấn cá chết trắng bụng chỉ trong một đêm.
Hàng trăm tấn cá chết bất thường khiến người nuôi điêu đứng
Sau cơn mưa lớn kéo dài, người nuôi cá phát hiện cá có dấu hiệu bất thường nên gọi nhau cứu cá nhưng không thể cứu vãn. Hàng trăm tấn cá các loại như lăng, chép, điêu hồng… sắp đến kỳ thu hoạch phải đưa đi tiêu hủy. Đặc biệt, thời điểm này năm ngoái và nhiều năm trước đó đã xảy ra tình trạng điêu đứng như trên khi hàng chục ngàn tấn cá bè của người dân bị chết mà không được làm rõ nguyên nhân. Có thời điểm, địa phương cho rằng cá chết do vấn đề kỹ thuật nhưng người dân lại cho rằng nguyên nhân là do các nhà máy trong vùng xả thải.
Bình luận (0)