Trong 64 người mẹ liệt sĩ Gạc Ma ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, riêng phường Hòa Cường, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có 7 mẹ. Sau 31 năm kể từ sự kiện CQ-88 (chủ quyền 88), đa phần các mẹ không còn nữa. Những mẹ còn sống đã tuổi cao sức yếu và tất cả đều chung tâm trạng là nhớ con - những người lính Gạc Ma đã bỏ lại biển khơi xương cốt của họ.
Con ở đâu, sao mãi chưa về!
Tháng 7, trời Đà Nẵng nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về phường Hòa Cường theo sự chỉ dẫn của cựu binh Gạc Ma Trần Đức Lợi. Anh Lợi nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 83 công binh hải quân và là người "tường tận" tất cả điều kiện sống, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng và địa chỉ của 7 mẹ của liệt sĩ Gạc Ma đang sống ở đây.
Địa chỉ đầu tiên anh Lợi dẫn tôi đến thăm là cụ Lê Thị Muộn - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự. Mẹ Muộn năm nay đã 86 tuổi nhưng ký ức về cậu con trai đi Trường Sa lúc chưa đầy 18 tuổi thì chẳng thể nào quên. "Nó là con thứ bảy trong 8 anh em. Ngày nó ra đi, trẻ lắm. Nó mặc cái áo xanh, hớt hải chạy về nói: "Má, con đi bộ đội nghe". Tôi nhìn nó bảo: "Con thích đi bộ đội thật à? Con cứ làm những gì thấy có ích" - trên khóe mắt mẹ Muộn rịn dòng nước mắt.
Mời tôi ly nước trắng, chị con dâu của mẹ Muộn phân trần: "Đã mấy chục năm chú Sự hy sinh, hầu như má tôi không nguôi được. Chiếc áo hải quân của chú Sự, má may lại cho vừa, mỗi lần có sự kiện gì đó về Gạc Ma thì lại đem ra mặc. Ký ức về chú Sự, má nhớ rất tường tận".
Nghe con dâu nói, mẹ Muộn nhoẻn miệng cười, rồi chìm trong ký ức ngày tiễn anh Sự ra Trường Sa 32 năm trước: "Sau khi học hết phổ thông thì nó (anh Sự - PV) đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Đến Tết nguyên đán năm 1988, nó được về nhà ăn Tết. Nó nói với tôi: "Má ơi, con và mấy anh em sắp đi xây dựng đảo Trường Sa". Hồi đó, ông nhà tôi đang đau nặng lắm, phải nhập viện nên đơn vị mới phân công nó ở lại đất liền làm nhiệm vụ trông coi đồ đạc. Mà nó đâu có chịu, cứ một mực xin đi. Thấy con quyết tâm như vậy, tôi cũng động viên nó đi nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Bà Huỳnh Thị Kế, mẹ của liệt sĩ Phạm Phú Đoàn, vẫn ngày đêm nhớ con
Một ngày giữa tháng 3-1988, trong lúc mẹ Muộn đang làm thủ tục xuất viện cho chồng thì nghe tin anh Sự hy sinh. Mẹ bàng hoàng chưa kịp định hình điều gì thì người chồng đang nằm trên giường bệnh vì nghe tin quá sốc mà vỡ mạch máu toàn thân, rồi cũng qua đời.
Cách nhà mẹ Lê Thị Muộn một con phố là nhà cụ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Phạm Phú Đoàn. Mẹ Kế năm nay hơn 80 tuổi, sức yếu lại "nặng tai" nhưng ký ức về người con trai hy sinh ở đảo đá Gạc Ma ngày ấy vẫn in đậm trong tim. "Ngày thằng Đoàn đi Trường Sa nó chớm 18 tuổi, chẳng có người yêu gì đâu. Lúc nghe tin nó hy sinh, tôi chạy ra biển gào thét. Nhiều năm sau đó, tôi vẫn chờ nhưng nó đâu còn nữa phải không anh?" - mẹ Kế nghẹn giọng, mắt lưng tròng.
Căn nhà mẹ Kế đang ở nằm trong hẻm sâu xuống cấp nhiều năm nay. Nền gạch cũ lâu ngày xỉn đen, phía trong là lu nước nhỏ, một bộ bàn ghế kê góc nhà sờn cũ. Ngày ngày mẹ Kế tự nấu ăn, đi chợ. Đêm đêm, mẹ vẫn đứng trước di ảnh con gọi thầm: "Đoàn ơi, con ở đâu sao mãi không về!".
Nỗi đau chưa nguôi
Mỗi người mẹ, người cha của liệt sĩ Gạc Ma có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều chung một niềm đau là mất con và chưa nguôi ngoai được nỗi nhớ thường trực trong tiềm thức.
Hằng năm, cứ đến dịp 27-7, Quân chủng Hải quân tổ chức những chuyến tàu ra Trường Sa thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ. Đây là công việc thể hiện tấm lòng và chính sách đối với liệt sĩ.
Giữa biển trời lạnh vắng và tiếng sóng cồn vùng biển Sinh Tồn, trên con tàu nhỏ bé, nhạc hồn tử sĩ văng vẳng, tiếng trưởng đoàn công tác vọng vào sóng nước: "Để Trường Sa trường tồn, các anh đã chiến đấu kiên cường trước họng súng quân xâm lăng. Các anh đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho chủ quyền Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh được Tổ quốc ghi công, dân tộc nhắc nhớ, thế hệ hôm nay và mai sau noi gương tiếp bước. Thêm một lần nữa vĩnh biệt các anh. Hãy yên nghỉ giữa sóng nước biển khơi".
Tất cả thành viên trong đoàn ai cũng thổn thức. Từ những cựu binh đã vào sinh ra tử đến người lính trẻ lần đầu tiên đến Trường Sa đều chìm lắng trong niềm xúc động. Thầm cảm ơn những liệt sĩ Trường Sa. Các anh đã hóa thân thành sóng nước, vào biển mặn để Trường Sa thêm vững chãi ngoài đường biên đất mẹ.
Ngoài những phần quà, tình cảm của chính quyền TP Đà Nẵng, những người mẹ, người cha của liệt sĩ Gạc Ma còn được Hội Cựu quân nhân Gạc Ma và những nhà hảo tâm, doanh nhân ở nhiều vùng đất nước thăm hỏi, tặng quà. Bà Lê Thị Tâm, nguyên nữ cựu tù Côn Đảo, đã tiết kiệm lương hưu trong nhiều tháng gửi biếu mỗi thân nhân liệt sĩ Gạc Ma 2 triệu đồng; Hội Quân nhân Gạc Ma ở Đà Nẵng góp tiền mua quà, đến từng nhà thăm hỏi, động viên các mẹ liệt sĩ.
"Nó hy sinh năm 20 tuổi"
Thêm một địa chỉ tôi tìm đến trong chuyến "về nguồn" này là gia đình liệt sĩ Lê Văn Xanh. Đón tôi giữa trưa hè đổ lửa, người cha khuôn mặt không giấu được xúc động khi tôi hỏi: "Bác có phải là cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh?".
Dẫn chúng tôi lên lầu 2 của căn nhà khang trang, ông Lê Văn Xuân thắp nén nhang đưa cho tôi, bảo: "Nó hy sinh năm 20 tuổi. Trước ngày đi đảo, tôi bảo lấy vợ rồi đi con. Nó hứa trong ngày nhập ngũ: Hoàn thành nghĩa vụ con sẽ về lấy vợ sinh con cho ba. Nhưng mãi mãi chẳng thấy nó về".
Bình luận (0)