xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống lại gốm Bồ Bát

Bài và ảnh: Phạm Anh Thơ

Chắt lọc những tinh túy nhất của đất cố đô, Phạm Văn Vang làm nên điều kỳ diệu và giúp làng nghề gốm ngủ yên cả ngàn năm nay sôi động hẳn

Xa xưa, Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) từng là một làng gốm nổi tiếng, là nơi khởi nguồn của gốm Bát Tràng (Hà Nội) ngày nay. Vật đổi sao dời, làng nghề biến mất, dấu tích còn lại có chăng chỉ thấy trong gia phả dòng họ, sử sách hay những mẩu vật khảo cổ. Nhưng bây giờ, làng gốm ấy đang hồi sinh bởi một chàng trai trẻ - Phạm Văn Vang (ngụ thôn Bạch Liên, xã Yên Thành).

Tiếp nối sau ngàn năm

Tôi biết Phạm Văn Vang tình cờ tại một hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. Gian hàng nhỏ bé nhưng nổi bật của Vang với những sản phẩm gốm sáng bóng, hoa văn tinh xảo. Lời giới thiệu "gốm Bồ Bát sau cả ngàn năm thất truyền đã được hồi sinh bởi một nghệ nhân còn rất trẻ" đã thôi thúc tôi tìm Vang.

Tôi đến Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát của Vang khi anh đang tất bật với những đơn hàng. Dù vậy, khi nói chuyện về gốm, dường như những mạch nguồn cảm xúc trong Vang không bao giờ cạn. Vang kể Bồ Bát vốn là làng gốm nổi tiếng, sản phẩm đã theo thuyền buôn đi muôn nơi. Vua Đinh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân cũng dùng gốm Bồ Bát để xây dựng kinh đô Hoa Lư. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, những nghệ nhân giỏi của làng cũng theo về kinh thành lập nghiệp, phát triển thành làng gốm Bát Tràng ngày nay. Vật đổi sao dời, nương dâu bãi bể, Bồ Bát dần mai một, không còn ai làm nghề, những sản phẩm tinh xảo chỉ còn lưu lại dấu tích ở nơi vua Đinh ở.

Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 1.

Phạm Văn Vang miệt mài bên những sản phẩm gốm

Những người làm gốm ở Bát Tràng vẫn nhớ về cội nguồn, coi Bạch Liên là cái nôi của nghề gốm cổ, cũng là cái gốc của gốm men trắng Việt Nam. Tiếc là sự thay đổi của thời thế khiến làng nghề xưa chỉ còn trong dấu tích. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, Vang bảo từ nhỏ đã nghe ông bà kể về lịch sử của làng, về một thời kỳ Bạch Liên rực rỡ, trên bến dưới thuyền, nhà nhà đỏ lửa mà người trong làng cứ đời này đến đời khác kể lại cho nhau nghe như một sự hoài niệm, tiếc nuối cho thời vàng son. Được sống trong câu chuyện ấy, trong đầu Vang lúc nào cũng nung nấu ý định khôi phục lại nghề.

Nhưng để làm được điều ấy, đầu tiên phải "tầm sư học đạo". Nghĩ là làm, năm 2000, sau khi học xong trung học phổ thông, Vang tìm đến Bát Tràng học nghề làm gốm, bắt đầu từ những việc đơn giản, sơ khai nhất của nghề. Có vẻ như nghề đã không chọn nhầm người, Vang bắt kịp rất nhanh và chỉ sau 3 năm là đã có thể thành thục mọi công đoạn của quy trình làm gốm. Để vững tin hơn, Vang lên Bắc Giang xin làm thuê cho một xưởng gốm để học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật vẽ các họa tiết tranh cổ. Khi đã vững tin, năm 2006, Vang trở lại Bạch Liên mở xưởng làm gốm, bắt đầu một hành trình sáng tạo.

Sau quá trình chuẩn bị lò xưởng, Vang háo hức, hồi hộp chờ đợi mẻ gốm đầu tiên với bao hy vọng. Nhưng hy vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu khi mẻ gốm ra lò mà cái thì nứt vỡ, cái méo mó không ra hình dáng; thêm một vài mẻ nữa thất bại khiến Vang có những lúc muốn dừng bước, nguồn lực dần cạn kiệt mà vẫn chưa nhìn thấy đường đi. Nhưng ý chí khôi phục lại nghề gốm lớn hơn tất cả, vượt qua nỗi buồn, Vang lại lao vào nghiên cứu, điều chỉnh nhiệt độ lò, pha chế đất cho phù hợp. "Gốm mà hỏng là hỏng cả lò nên chi phí tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, bao nhiêu mẻ gốm méo mó, không ra hình dạng gì khiến tôi cảm thấy nản, có lúc muốn bỏ dở giữa chừng, chuyển sang nghề khác vì nguồn lực của mình cạn rồi" - Vang nói về những ngày đầu tiên đến với nghề gốm.

Cuối cùng, sau bao đêm trăn trở, nghiên cứu, Vang tìm ra bí quyết cho một mẻ gốm lành lặn. Cầm sản phẩm đầu tiên trên tay, Vang mừng rơi nước mắt. Vậy là bao nỗ lực đã được đền đáp. Cũng từ đây, sự đứt gãy suốt ngàn năm của làng nghề được nối lại.

Trả giá bằng rất nhiều lò

Chia sẻ về bí quyết làm nên những sản phẩm gốm đẹp và tinh xảo, Vang bảo nguyên liệu là linh hồn của sản phẩm.

"Khi bước vào nghề, tôi mới hiểu tại sao Bồ Bát được coi là cái nôi của dòng gốm men trắng Việt Nam, bởi quê tôi sở hữu loại đất sét quý hiếm, có hàm lượng đá vôi nhiều, rất lý tưởng cho nghề gốm sứ. Sử dụng loại đất này, chỉ cần nung bằng 50%-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng sản phẩm vẫn bảo đảm độ mịn, cứng cần thiết và ít bị nứt, vỡ. Để tạo nguồn men đẹp, tôi cũng chỉ sử dụng những thứ có sẵn ở Ninh Bình như tro lúa nếp hay rễ cây cỏ bãi. Tuy là những cây cỏ đơn sơ, mộc mạc nhưng chúng giúp lên màu men rất đẹp" - Vang nói. Chắt lọc những gì là tinh túy nhất của đất cố đô, Vang làm nên điều kỳ diệu. Hơn thế, anh còn giúp một làng nghề ngủ yên cả ngàn năm nay sôi động hẳn.

Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 2.

Say sưa trong từng đường nét

Vang bảo những người làm gốm ai cũng phải thuộc lòng câu: "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò" bởi đây là 3 yếu tố quan trọng để tạo nên một sản phẩm gốm. Theo đó, 3 yếu tố này luôn đồng hành với nhau, quy trình tạo ra sản phẩm đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn từ chọn lựa, pha chế đất, tạo dáng, vẽ hoa văn, phủ men và cuối cùng là nổi lửa. Kỹ thuật đốt lò vốn được truyền lại từ các cụ, nhưng để điều chỉnh được ngọn lửa theo ý mình thì không đơn giản, bản thân Vang cũng phải trả giá bằng rất nhiều lò gốm méo mó, nứt vỡ mới có thể khiến lửa cháy theo ý mình.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình lập nghiệp, Vang cho rằng vấn đề vốn luôn làm anh đau đầu. Dù đã được địa phương, ngành chức năng hỗ trợ nhưng do nguồn lực hạn chế nên anh chỉ được vay tối đa 20 triệu đồng (đối với cấp xã) và 100-200 triệu đồng (với cấp huyện) mà với nghề gốm, số vốn này như "muối bỏ bể".

Làm được sản phẩm hoàn thiện đã khó nhưng để nó đến được với thị trường còn khó hơn. Vậy là ngoài những lúc miệt mài ở xưởng, Vang rong ruổi khắp các tỉnh thành, tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Rất may do sản phẩm men dày, trắng, có độ sâu, độ bền cơ học tốt, giá thành hợp lý nên nhanh chóng được người dùng đón nhận.

Không có điểm dừng

Tôi hỏi: "Sau hơn 10 năm làm nghề và gặt hái được không ít thành công, anh có cảm thấy hài lòng về chặng đường này không?". Vang chia sẻ: "Với nghề gốm sứ thì không bao giờ có hồi kết, không có điểm dừng, thành quả của hôm nay là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường".

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chàng trai Bạch Liên cuối cùng đã được đền đáp. Gốm Bồ Bát giờ đây có thể sánh vai với nhiều sản phẩm khác trên thị trường. Vang hồ hởi khoe: "Khi mang sản phẩm cho thợ ở Bát Tràng xem, họ đều đánh giá cao chất lượng sản phẩm".

Năm 2008, lần đầu tiên mang sản phẩm Bồ Bát đến giới thiệu tại một triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, Vang khiến nhiều người bất ngờ bởi sản phẩm rất tinh xảo, trắng mịn. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát cũng có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền. Một tin vui nữa là năm 2018, cơ sở sản xuất của anh sẽ di chuyển ra địa điểm mới với quy mô 5.000 m2 để có thể mở rộng quy mô sản xuất lớn gấp 5-10 lần hiện nay. Đây là cơ hội cho làng nghề gốm Bồ Bát phát triển, lấy lại danh tiếng đã mất hơn ngàn năm trước.

Năm 2014, Phạm Văn Vang được Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tuyên dương là một trong 10 gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Năm 2016, anh được phong danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia và là một trong những nghệ nhân trẻ nhất cả nước.

"Tôi sẽ tiếp tục phát triển dòng gốm men trắng từng làm nên một thời huy hoàng cho Bồ Bát, đặc biệt là đưa các hoa văn, họa tiết có liên quan đến các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô vào sản phẩm để tạo nét riêng biệt" - Vang khẳng định.

Sẽ thức dậy, sáng lòa

Trong dòng chảy biến thiên của tạo hóa, trong những thăng trầm của lịch sử, có lẽ chẳng gì tồn tại mãi mãi, sự đứt gãy của thế hệ cũng là chuyện đương nhiên. Bồ Bát ngàn năm trước từng "trên bến dưới thuyền", trải qua thời gian, các dòng sông bồi lấp, dấu tích xưa chẳng còn nguyên vẹn. Vì vậy, những nỗ lực phục dựng nghề cổ của Phạm Văn Vang là vô cùng đáng quý, không chỉ tạo việc làm cho người dân trong vùng mà còn làm hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô. Tin rằng với sức trẻ, niềm đam mê và sáng tạo, Vang sẽ còn giúp gốm Bồ Bát đi xa hơn nữa, đất ngủ suốt ngàn năm sẽ thức dậy, sáng lòa.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 5. Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 5. Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 5. Sống lại gốm Bồ Bát - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo