Hôm rồi trở lại Phú Quốc, một đoàn khách du lịch đến từ Cần Thơ bất ngờ thấy cảnh kẹt xe đoạn qua cầu Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Dương Đông. Anh hướng dẫn viên du lịch kể rằng chuyện cầu bị kẹt xe vào giờ cao điểm xảy ra như cơm bữa. Dân cư ở "đảo ngọc" tăng theo cấp số nhân cộng với lượng khách du lịch tăng mạnh nên hạ tầng đang quá tải.
Xã hội đen bảo kê đất
Đêm đến, chợ đêm Phú Quốc rực sáng đèn. Dòng người từ các nhà nghỉ, khách sạn đổ về ken đặc khu chợ nằm sát mép sông Dương Đông. Tiếng mời chào mua hàng, tiếng dao, kéo lụp bụp của các đầu bếp "trổ tài" trước mặt du khách và tiếng hỏi giá của khách hàng vang lên từ đầu đến cuối chợ. Anh Nguyễn Thanh Hùng, một người dân ở thị trấn Dương Đông, cho hay 10 năm trước, chợ đêm Dinh Cậu ở Phú Quốc ế lắm, người bán nhiều hơn người mua. Vậy mà, từ lúc di dời sang đường Bạch Đằng và đổi tên thành chợ đêm Phú Quốc, khu chợ luôn quá tải, nhất là trong những dịp lễ, Tết và cuối tuần.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, trong năm 2017, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn huyện đảo này đạt 11.620 tỉ đồng, tăng hơn 30% so cùng kỳ. Tổng lượt khách đạt 1,96 triệu lượt người, vượt 7,69% kế hoạch, tăng hơn 35% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế là 361.452 lượt người, tăng 72% so năm 2016. Toàn huyện hiện có 464 cơ sở lưu trú với 12.500 phòng.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thừa nhận Phú Quốc phát triển khá nhanh. Dân tứ xứ đổ về Phú Quốc, trong đó có số công nhân ra phục vụ các dự án, đại công trình và cả các băng nhóm xã hội đen trà trộn ra bảo kê làm ăn, bảo kê đất đai. Ngoài các vụ án giết người, gần đây, tai nạn giao thông, trộm cướp, mua bán ma túy liên tục xảy ra khiến Phú Quốc mất dần hình ảnh một "đảo ngọc" hiền hòa.
Để lập lại trật tự, Công an Phú Quốc đã huy động lực lượng trấn áp các băng nhóm bảo kê đất đai, giải quyết 13 vụ tranh chấp đất có đối tượng phức tạp tham gia, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 13 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Trong 138 đối tượng bảo kê bao chiếm đất, 23 đối tượng có tiền án, 66 đối tượng từ nơi khác đến.
Phú Quốc bây giờ đã xuất hiện tình trạng kẹt xe. Ảnh: CÔNG TUẤN
Tỉnh và trung ương vào cuộc
Theo báo cáo tổng kết năm 2017 của UBND huyện Phú Quốc, tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý, đất hành lang biển, giao thông và xây dựng trái phép diễn biến phức tạp chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để; tình hình tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn xảy ra; đơn khiếu nại tồn đọng nhiều… Do buông lỏng quản lý, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn vừa bị kỷ luật khiển trách, Phó Chủ tịch Huỳnh Quang Hưng bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Liên quan đến sai phạm đất đai, nhiều cán bộ đã lãnh án tù. Ngày 11-4, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt 15 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Ngọc Ánh (37 tuổi; ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc), nguyên kế toán trưởng; 1 năm tù đối với Trần Văn Hoàng (43 tuổi) và Trần Văn Kiên (39 tuổi), nguyên giám đốc và nguyên phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc. Bị cáo Kiên và Hoàng đã lơ là quản lý, để bị cáo Ánh bôi xóa, sửa chữa số tiền ghi trên biên lai thu phí và lệ phí thấp hơn số tiền thực tế trên biên lai đã đưa cho người dân để chiếm đoạt khoảng 2,5 tỉ đồng.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc cũng đã khởi tố, bắt giam Trần Văn Sơn, cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, và Đỗ Ngọc Duẩn, nhân viên hợp đồng tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, do kê khống diện tích các dự án, kê khống giá trị công trình và cấu kết với các hộ dân để hưởng mức chênh lệch từ việc bồi thường đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ngày 19-4, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã công bố, triển khai quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai, chặt phá và lấn chiếm đất rừng Phú Quốc.
Theo quyết định này, trong thời hạn kiểm tra 90 ngày, đoàn kiểm tra liên ngành đề xuất UBND tỉnh, cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, khắc phục, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật để thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng nhà ở, công trình đúng quy hoạch, đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở Phú Quốc vào kế hoạch thanh tra mà đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã đến Kiên Giang công bố vào ngày 2-4.
Phó Thủ tướng lưu ý Thanh tra Chính phủ cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại Phú Quốc, báo cáo trước ngày 1-7.
Cho ra khỏi ngành nguyên thượng úy lừa đảo
Ngày 23-4, thượng tá Nguyễn Văn Trường - Phó trưởng Công an huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang - xác nhận nguyên thượng úy Huỳnh Chí Cường (nguyên phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính - Trật tự xã hội Công an huyện Tân Hiệp) đã bị cho ra khỏi ngành do 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Cường cũng đã bị kỷ luật cảnh cáo và cách chức phó đội trưởng do người dân tố cáo về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vào năm 2008, ông Lại Văn Oanh (ngụ ấp Thạnh Trị, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp) hùn tiền với Cường mua mảnh đất rộng 14.000 m2 tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc với tổng giá trị 234 triệu đồng. Cả hai thỏa thuận sẽ chia đôi số tiền nhận bồi thường khi nhà nước thu hồi đất làm dự án. Khi nhận tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng bồi thường, Cường chỉ đưa cho ông Oanh và con gái ông Oanh hơn 730 triệu đồng.
THỐT NỐT
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4
Kỳ tới: Phòng "nóng", ngừa "sốt" cho Phú Quốc
Bình luận (0)