Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến, về lâu dài phải cơ cấu lại khai thác trên biển; để bù đắp cho sản lượng khai thác, chúng ta phải tăng cường nuôi biển. Đây cũng là giải pháp lâu dài để có nguyên liệu chế biến và chế biến sâu nhằm tăng xuất khẩu thủy sản.
Tiềm năng nuôi trồng rất lớn
Tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó vùng bãi triều 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha; vùng biển xa bờ gần 167.000 ha, diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng điều kiện tự nhiên và môi trường ở nước ta khá thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn.
Hải Phòng và Quảng Ninh là 2 địa phương đóng vai trò trung tâm nuôi trồng thủy sản khu vực phía Bắc. Hải Phòng có chiều dài bờ biển trên 125 km và có diện tích khoảng 4.000 km2, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố; là một trong những địa phương có ưu thế đặc biệt khi sở hữu vùng thủy trường bao gồm cả 3 nguồn: nước ngọt - mặn - lợ, được tạo bởi gần chục dòng sông lớn nhỏ và vùng biển vịnh Bắc Bộ. Từ đặc điểm này, vùng nước lợ Hải Phòng gắn liền với các nguồn thủy sản mà nhiều vùng bờ khác trong cả nước không có.
Quảng Ninh cũng có lợi thế tương tự, với chiều dài bờ biển 250 km, có 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, phong phú. Điều này giúp cho Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Hiện tỉnh này có hơn 21.000 ha, 14.506 ô lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản nước mặn, 18.141 ha nuôi nước lợ, còn lại là nuôi nước ngọt.
Mô hình nuôi thủy sản trên biển bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy tại Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM
Để bảo đảm nguồn giống phục vụ nuôi trồng, Quảng Ninh đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, cung ứng khoảng 1,5 tỉ con giống/năm. Tiêu biểu là Tập đoàn Việt - Úc đã đầu tư và đưa vào sử dụng 14 trang trại với 252 bể ương dưỡng giống tôm tại huyện Đầm Hà; sản xuất, cung cấp cho thị trường trong tỉnh hơn 170 triệu con giống tôm sạch bệnh/năm.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), cho hay tỉnh này đang hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững, tăng nuôi trồng công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Để có chiến lược nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất với đề nghị của Sở NN-PTNT về việc xác định các khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian chờ tích hợp nội dung quy hoạch nuôi trồng thủy sản vào Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, khu vực biển nuôi trồng thủy sản tập trung tại vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh với tổng diện tích 350 ha; Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 800 ha, được đề xuất nằm trong khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại đầm Nha Phu thuộc thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích 86 ha; khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại vịnh Nha Trang ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang với tổng diện tích 69 ha; khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại vịnh Cam Ranh có tổng diện tích 257 ha.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, tôm hùm là vật nuôi biển trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, một số vật nuôi như cá mú, cá chim, cua biển, hàu Thái Bình Dương và rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển mang lại hiệu quả. Việc quy hoạch vùng nuôi sẽ là cơ sở để sắp xếp, phát triển các loại thủy sản đặc hữu, dễ dàng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ngành thủy sản hiện có 2 mảng chính là khai thác và nuôi trồng. Những năm gần đây, ngành này đã đề ra mục tiêu giảm khai thác ồ ạt, hướng tới khai thác bền vững. Do vậy, nuôi trồng sẽ càng trở nên quan trọng, bởi lĩnh vực này gắn với sinh kế của những ngư dân sống ven biển, trong khi đó tiềm năng để nuôi trồng thủy sản của Việt Nam rất lớn. "Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản càng có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Về mặt thị trường, các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng thì cung luôn không đáp ứng đủ cầu…
Quy hoạch, tổ chức lại nuôi trồng
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nước ta có bờ biển dài và có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản.Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4-10-2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án 1664).
Mục tiêu chung của Đề án 1664 là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn sản phẩm, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỉ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỉ USD. Tầm nhìn đến năm 2045: Ngành công nghiệp nuôi biển đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại; công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.
Theo ông Luân, người nuôi biển cần tổ chức lại sản xuất và xây dựng lại vùng nuôi phù hợp để đem lại hiệu quả cao và bền vững. Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cùng với 4 địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang) tổ chức xây dựng và triển khai dự án đầu tư hạ tầng thí điểm vùng nuôi trồng thủy sản trên biển; sau đó sẽ tổng hợp kết quả để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.
Để thúc đẩy nuôi trồng phát triển, theo ông Luân, cần tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh; công nghệ nuôi; công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển; phát triển khoa học - công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển, tập trung vào công nghệ sản xuất lồng nuôi, dịch vụ hậu cần, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan; đồng thời, cần nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, vận hành và giám sát các hoạt động nuôi biển.
Đã biết ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện tỉnh này có hơn 4.000 ha diện tích nuôi tôm với sản lượng mỗi năm khoảng 12.000 tấn. Trong đó, hơn 2.000 ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao của các doanh nghiệp như Công ty CP Việt Úc Bình Định, Công ty TNHH Thành Ly... Người dân nuôi nhỏ lẻ cũng từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm thẻ chân trắng và thủy sản các loại. Bình Định cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm cá koi Nhật Bản Bình Định. Riêng nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị gia tăng cao nhất, chiếm 84,7% tổng giá trị nuôi trồng và chiếm 11,3% tổng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản. Sản phẩm nuôi trồng bảo đảm chất lượng đã góp phần tăng giá trị ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Bình Định. Đến nay, tỉnh này có 5 doanh nghiệp đang hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng kim ngạch khoảng 400 triệu USD/năm.
Để hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã hướng dẫn cụ thể về cách nuôi tôm 2 - 3 vụ, kết hợp chính và phụ trong năm. Bình Định cũng nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, áp dụng nuôi tôm kết hợp với thủy sản khác nhằm hạn chế dịch bệnh.
Khó khăn trong phát triển nuôi trên biển hiện nay của nhiều địa phương là nguồn giống như tôm hùm chưa chủ động sản xuất được. Ngay cả Viện Nghiên cứu thủy sản III đóng tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhiều năm nay nghiên cứu giống tôm hùm nhân tạo vẫn chưa hoàn thành.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Kỳ tới: Cần lắm chính sách "tam ngư"
Bình luận (0)