Sau khi Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương công bố nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới, Việt Nam cùng các phòng thí nghiệm trên thế giới sẽ bước vào cuộc chạy đua nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV).
Cần thời gian nghiên cứu
Trước đó, các nhà khoa học của Nhật Bản cho biết bắt đầu quá trình phát triển vắc-xin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus corona. Tại Úc, các nhà nghiên cứu đã xác định những đặc tính chủ yếu của nCoV để chuẩn bị cho việc thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng các nhà khoa học có thể rút ngắn thời gian để sản xuất vắc-xin nhờ những kinh nghiệm đã có cùng với sự phát triển của những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y sinh thay vì cần đến hàng năm để có thể phát triển vắc-xin ngừa SARS, MERS, Zika. Tuy nhiên, dự kiến quá trình này có thể mất 6 tháng để thực nghiệm lâm sàng và khoảng 1 năm hoặc lâu hơn mới có vắc-xin. Tại Việt Nam, thời gian qua nhiều giải pháp đã được các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vắc-xin ứng phó với dịch nCoV. Theo một chuyên gia dịch tễ, hiện để đánh giá tính kháng nguyên của chủng mới thế giới có thể phải mất ít nhất 3 tháng.
Xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm nCoV tại Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương Ảnh: NGỌC DUNG
TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế, cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp xây dựng mô hình nhân nuôi virus với chủng đã được phân lập và bất hoạt để bảo đảm tính an toàn". Cũng theo ông Đạt, hiện công ty này đã liên hệ với các đối tác Anh quốc để giúp làm hệ gien phát triển vắc-xin phòng nCoV. Song, quy trình sản xuất với bất kỳ vắc-xin mới nào thì cần phải trải qua các đánh giá trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật rồi đến một nhóm người nhỏ và sau đó mới có thể dùng cho cộng đồng. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm mới có thể đưa ra thành phẩm vắc-xin. "Hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá việc ứng dụng vắc-xin corona. Đối với SARS-CoV, các nhà sản xuất cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá trên động vật, đối với MERS-CoV thì đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 trên người nhưng chưa có một loại vắc-xin corona virus nào được thương mại hóa. Trong sản xuất vắc-xin, cả thế giới đều tuyên bố là phải chậm chứ không thể nhanh được. Cái khó nhất của loại vắc-xin chủng corona mới này là chưa có một đối chiếu nào về thương mại. Tất cả đều phải dựa trên những nghiên cứu cũ để đẩy nhanh nghiên cứu. Do đó, cần có thời gian để có thể sản xuất được vắc-xin ngừa virus corona" - ông Đạt nói.
Trước đó, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết WHO đang xem xét để quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được kiểm chứng đầu tiên ở trên người.
Chưa có dữ liệu cụ thể
Trong khi đó, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) - Bộ Y tế, cho biết hiện việc sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho người không chỉ phân lập được là có được chủng virus dùng để sản xuất vắc-xin mà còn phải có nhiều điều kiện khác. Kể các nước có công nghệ phát triển cũng phải cải tiến công nghệ liên tục vì mỗi chủng virus thì công nghệ sản xuất vắc-xin sẽ khác nhau.
Chủng nCoV mà Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương nuôi cấy, phân lập được sẽ khác hoàn toàn với chủng virus dùng để sản xuất vắc-xin. Chủng nCoV mới phân lập được chỉ là chủng thuần khiết, còn nghiên cứu để sản xuất vắc-xin sẽ khác vì phải bảo đảm được mức độ an toàn, tính hiệu quả, khả năng nhân lên, rất nhiều yếu tố và các yếu tố này phải có các thông số rõ ràng. Điều quan trọng các thông số này phải được các tổ chức y tế thế giới công nhận. "Về nguyên tắc chung thì có chủng thì có thể sản xuất được vắc-xin. Việc sản xuất vắc-xin thì không quá khó nhưng chủng đó có bảo vệ được hay không? Có áp dụng được lên người hay không? Riêng Việt Nam chưa thể xử lý được điều này" - TS Dương Hữu Thái nói.
Về khả năng nghiên cứu vắc-xin phòng nCoV, TS Thái cho rằng chủng mới nCoV, IVAC vẫn đang thu thập thông tin vì chưa có dữ liệu gì cụ thể. Kể cả những nhà khoa học trên thế giới cũng chưa có những thông tin, hiểu biết đầy đủ về nó.
Bình luận (0)