Theo Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2016, thành phố đã tiến hành phân loại và kiểm định chất lượng 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975, trong đó có 14 chung cư cấp D (nguy hiểm) cần tháo dỡ để xây dựng chung cư mới thay thế.
Ai cũng mong ngóng
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, đến nay mới có 6/14 chung cư cấp D đã di dời dân (333 hộ dân), 5 chung cư di dời dang dở (303/566 hộ) và 3 chung cư chưa di dời. Điều này không chỉ khiến người dân, chính quyền địa phương mà ngay cả lãnh đạo TP HCM cũng sốt ruột.
Điển hình, chung cư 119B Tân Hòa Đông (quận 6, TP HCM) qua kiểm định vào năm 2017 được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, thuộc diện cần di dời, phá dỡ, song đến nay vẫn còn 12/80 hộ chưa di dời đến nơi tạm cư, tái định cư tại quỹ nhà sở hữu nhà nước của chung cư 243 Tân Hòa Đông. Lý do được người dân cho hay là họ mong muốn được tái định cư tại chỗ để thuận tiện việc sinh kế của gia đình nhưng các cơ quan chức năng liên quan lại cho rằng chung cư này không phù hợp quy hoạch để xây dựng lại mà được điều chỉnh chức năng thành đất giáo dục (trường tiểu học, mật độ xây dựng 50%).
Chung cư 128 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM đã di dời dân nhưng chưa được tháo dỡ
Trước khúc mắc trên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết chung cư 119B Tân Hòa Đông không phải là không đủ diện tích xây dựng lại chung cư mà do không bảo đảm điều kiện kết nối giao thông bên ngoài nên được điều chỉnh thành đất giáo dục. "Chung cư này nằm ở hẻm sâu, bề rộng chỉ hơn 4 m. Trong khi đó, muốn làm chung cư thì phải mở rộng hẻm ít nhất 10,5 m mới đủ tiêu chuẩn là đường giao thông vào chung cư. Nhưng phương án mở đường là không khả thi" - ông Hùng nói.
Lãnh đạo UBND quận 6 cũng chỉ ra "một cái khó" ở chung cư 119B Tân Hòa Đông là khu đất này sẽ được xây trường học nên việc bồi thường không áp dụng theo Nghị định 69 mà là Luật Đất đai. Tuy nhiên, hiện Luật Đất đai chưa có quy định bồi thường hạng mục chung cư. Vì vậy, quận 6 đang chờ cấp thẩm quyền điều chỉnh các quyết định, quy định liên quan để có phương án bồi thường cho người dân. "12 hộ dân chưa di dời đang yêu cầu có phương án bồi thường. Các hộ đi trước vẫn đang sống tạm cư ở chung cư trên địa bàn quận và chờ có quyết định bồi thường" - ông Hùng nói thêm.
Sốt ruột với tình trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, đôn đốc các quận, huyện và các đơn vị liên quan về việc di dời nhà ở, chung cư loại D, khẩn trương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn triển khai. "Tôi đề nghị Ban Giám đốc Sở Xây dựng trong năm 2022 phải phấn đấu khởi công cho được 14 chung cư cũ loại D. Đã nói là phải làm ngay. Đề nghị sở báo cáo những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết" - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Hàng loạt đề xuất, kiến nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM cũng cho rằng cơ hội xây mới chung cư loại D đã đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, giúp tháo gỡ một số khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng, chọn chủ đầu tư. Vì vậy, nếu còn khó khăn nào cần tháo gỡ thì Sở Xây dựng chủ động đề xuất đặt lịch làm việc với Bộ Xây dựng để giải quyết.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, Sở Xây dựng vừa gửi báo cáo tổng hợp các vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Cụ thể, Sở Xây dựng nêu rõ những vướng mắc phát sinh về bồi thường đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước và báo cáo UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Nghị định 69 để tiếp tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư đối với các dự án đã được phê duyệt và triển khai thực hiện phương án bồi thường. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất về việc bồi thường cho nhà nước đối với phần diện tích sở hữu chung (hành lang, cầu thang, lối đi chung…), diện tích đất sử dụng chung (đất khuôn viên, sân chung) trước đây chưa bán cho các hộ dân được quy định tại Nghị định 69. Kế đến, Nghị định 69 chỉ quy định cách thức tổ chức chức hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư dự án cho từng nhà chung cư, khu chung cư, không có quy định cách thức thực hiện đối với dự án gồm nhiều tòa chung cư ở vị trí tách biệt nhau. Vì vậy, sở kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn tổ chức hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đồng thời của nhiều chung cư riêng biệt và cùng lúc; thủ tục về đất đai xây dựng đối với khu đất xây dựng lại nhà chung cư và khu đất không xây dựng lại nhà chung cư.
Bên cạnh đó, theo Sở Xây dựng, thực tế phát sinh vướng mắc giữa pháp luật nhà ở, đầu tư và đất đai trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư. Vì vậy, kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện thủ tục thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà ở khi người dân không đồng thuận di dời. Ngoài ra, thành phố cũng cần Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về trình tự các bước thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 2 trường hợp: thực hiện và không thực hiện thủ tục thông báo thu hồi và ban hành quyết định thu hồi đất.
Không có nhà đầu tư thì làm cách nào?
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đối với trường hợp không xây dựng lại chung cư ở vị trí cũ được do không kêu gọi được nhà đầu tư hoặc do diện tích đất khuôn viên nhỏ không phù hợp quy hoạch được duyệt để xây dựng lại, sở đề xuất UBND thành phố tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng nhà nước sẽ tổ chức di dời, bồi thường hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân tại các địa điểm khác bằng nguồn ngân sách. Khu đất chung cư cũ sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch hoặc tổ chức đấu giá.
Bình luận (0)