Tại các tỉnh, thành phía Nam, số người bị sốt xuất huyết (SXH) tăng cao dẫn đến số ca nặng tăng theo, trong khi thuốc điều trị thiếu, đứt gãy nguồn cung. Điều này đã gây không ít khó khăn cho cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH tại TP HCM vốn đang trong tình trạng quá tải.
Lâu dài khó thể kham nổi
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị SXH, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) đã tiếp nhận 4.500 bệnh nhi đến khám ngoại trú và hơn 2.000 ca nội trú. Số ca bệnh đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Bệnh viện này đang điều trị 125 trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 ca nặng phải thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cho biết SXH biến chứng thường gặp ở trẻ em là sốc; người lớn cũng có sốc nhưng đa số tổn thương tạng, xuất huyết tiêu hóa. Khi điều trị sốc SXH, ban đầu trẻ được sử dụng dung dịch điện giải, vốn luôn sẵn có. Khi dùng điện giải không hiệu quả thì chuyển sang sử dụng dung dịch cao phân tử. Hiện nay, vài loại dung dịch cao phân tử thường được dùng là HES 130.000, HES 200.000, Dalton và Dextran 40.000. Trong đó, Dextran 40.000 hiệu quả cao nhất, còn HES 130.000 thấp hơn.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải lọc máu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, dung dịch này khá mạnh vì khi truyền vào người sốc SXH sẽ tăng thể tích lồng mạch, đạt 200% hiệu quả, chống sốc rất tốt. Tuy nhiên, hiện dung dịch Dextran 40.000 và HES 200.000 đã hết nên việc điều trị người bị sốc kéo dài, sốc nặng, sâu gặp nhiều khó khăn. Qua hội chẩn và được sự đồng thuận của các chuyên gia SXH nhi, từ tháng 5, tháng 6-2022, bệnh viện đã thay thế bằng HES 130.000 khi điều trị các ca nặng, sốc SXH sâu nhưng dung dịch thay thế không đạt hiệu quả như mong muốn.
Cũng gặp khó khăn tương tự, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) không chỉ thiếu Dextran 40.000, HES 200.000 mà thuốc vận mạch Dopamin dùng trong hồi sức SXH cũng đang dần hết. Để không bị gián đoạn điều trị, bệnh viện đang thay thế thuốc này bằng Adrenalin và thuốc kết hợp khác.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Giám đốc Nguyễn Thành Dũng cho biết đang điều trị hơn 300 ca SXH cả người lớn và trẻ em. Thời gian qua, 7 ca bệnh nặng đã xin về, 3 ca tử vong tại bệnh viện.
"Đa số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đều trong tình trạng sốc, cảnh báo, không chỉ điều trị ở Khoa Hồi sức mà còn nằm ở khoa thường. Khi nào họ tái sốc thì hội chẩn với Khoa Hồi sức rồi chuyển qua. Tuy nhiên, hiện tại cũng không còn chỗ nên hội chẩn xong, chỉ những trường hợp đặt máy thở, lọc máu mới chuyển. Bây giờ bệnh viện có thể kham nổi nhưng sắp tới, nếu bệnh nhân vẫn gia tăng thì không thể" - bác sĩ Dũng lo ngại.
Áp lực từ các tỉnh lân cận
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 4.245 ca mắc SXH, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 5 người đã tử vong. Một số địa phương có số ca mắc cao là TP Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, tiếp theo là các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu... Chỉ trong tuần gần nhất, toàn tỉnh đã có 503 ca mắc SXH, đa số là người lớn.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết khó khăn lớn nhất của địa phương này là không thể mua được dung dịch cao phân tử vì không có hàng. Thời gian qua, những ca nào còn trong khả năng điều trị thì địa phương giữ lại; đối với ca diễn tiến nặng, quá khả năng thì sẽ chuyển lên các bệnh viện ở TP HCM.
Theo ông Tô Thanh Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh, hiện nay, vẫn còn không ít người cho rằng SXH là bệnh thường xảy ra nên có tâm lý chủ quan. Khi có triệu chứng sốt, họ thường tự điều trị tại nhà mà không đến cơ sở y tế khám bệnh. Mặt khác, sự nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân chưa cao trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng SXH, nhất là tại khu vực nhà ở, nơi làm việc, sinh sống...
Tại Bình Dương, hơn 920 ổ dịch SXH đã được ghi nhận thời gian qua với gần 5.000 ca mắc, trong đó 8 ca tử vong và gần 200 trường hợp diễn biến nặng. Địa phương này hiện là "điểm nóng" của dịch SXH khu vực phía Nam. Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc SXH, 3 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết tình trạng thiếu thuốc, dung dịch điều trị SXH cũng xảy ra ở nhiều tỉnh khác nên các bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên tại TP HCM. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, 80% ca nặng là ở tỉnh chuyển đến. Các khoa Cấp cứu, Nhiễm, Hồi sức tích cực chống độc đang tiếp nhận bệnh nhân SXH; thời gian tới nếu dịch bệnh gia tăng thì có thêm Khoa Nội hỗ trợ.
"Hiện nay, bệnh viện chúng tôi còn chịu đựng được nhưng nếu bệnh nhân SXH tăng nữa thì sẽ không kham nổi" - bác sĩ Tiến băn khoăn.
Có thể mở thêm bệnh viện điều trị SXH
Để hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân SXH từ các tỉnh lên, gây quá tải cho những bệnh viện tuyến cuối, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đề nghị ngay khi có ca bệnh nặng sẽ tiến hành tổ chức hội chẩn, điều trị. Nếu cần, có thể tái khởi động hệ thống cấp cứu liên viện để tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới điều trị tại chỗ; tránh chuyển bệnh nhân SXH nặng, quá nặng lên bệnh viện tuyến trên.
TP HCM cũng lên phương án sẵn sàng thu dung, điều trị nếu ca bệnh SXH tiếp tục tăng. Đồng thời, có thể mở thêm bệnh viện hồi sức ca nặng chuyên điều trị SXH.
PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế:
Cơ sở y tế không được chủ quan
Dự báo thời gian sắp tới sẽ bước vào những tháng cao điểm dịch SXH do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển. Năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn. Mặc dù đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị SXH Dengue song trong bối cảnh hiện nay, khi nhân viên y tế chưa kịp hồi sức sau thời gian dài phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở y tế không được chủ quan.
Khi mắc SXH và tự điều trị tại nhà, người bệnh không được uống Acid Acetylsalicylic (Aspirin), Mefenemic acid (Ponstan), Ibuprofen, các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.
Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, người bệnh có một số triệu chứng sau cần phải đưa ngay tới cơ sở y tế: chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen...); nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; cơ thể tím tái, tay và chân lạnh ẩm; khó thở...
PGS-TS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế:
Chu kỳ dịch sốt xuất huyết quay trở lại
Theo các chuyên gia y tế, chu kỳ dịch SXH sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh rất lớn. Ngay từ khi SXH xuất hiện rải rác ở một số địa phương, đặc biệt tại TP HCM và Bình Dương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các sở y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng chống dịch tại địa bàn với nhiều khẩu hiệu, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch.
Sở Y tế các địa phương cần nâng cao tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân. Nâng cao vai trò thu dung, điều trị và phân độ SXH tại các cơ sở y tế; chuẩn bị phương tiện, vật tư, thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức. Tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do SXH, nhất là trong bối cảnh ngành y tế phải đáp ứng mục tiêu kép là vừa tiếp tục chống dịch Covid-19 vừa tăng cường năng lực cho các tuyến trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH.
N.Dung ghi
Bình luận (0)