xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sử dụng biên chế còn nhiều bất cập

MINH PHONG

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị bổ sung

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" gửi Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc ngày 20-10.

Vượt chỉ tiêu biên chế làm tăng chi ngân sách

Theo báo cáo, việc quản lý, sử dụng biên chế, thời gian lao động ở một số bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả. Việc tinh giản biên chế ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức (CC), viên chức (VC), người lao động (NLĐ) được giao nhưng vẫn đề nghị bổ sung, nhất là biên chế VC giáo dục.

Theo báo cáo giám sát, có 10 địa phương giao vượt biên chế CC, gồm: Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Hậu Giang, Đồng Tháp, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và TP HCM.

Bên cạnh đó, 5 địa phương: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Lào Cai giao chỉ tiêu biên chế VC cho các cơ quan hành chính không đúng quy định. Ngoài ra, 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật VC là TP Hà Nội và Ninh Bình.

Đoàn giám sát nhấn mạnh tổng quỹ lương bố trí cho biên chế CC-VC-NLĐ do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách 859 tỉ đồng.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ tình trạng 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính; sử dụng lao động làm công tác chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp chưa qua thi tuyển, xét tuyển nhiều năm; ký hợp đồng lao động tùy tiện, không đúng quy định. Bên cạnh đó, 12 địa phương và 1 bộ có số lượng cấp phó vượt quy định của Nghị định 24/2014/NĐ-CP; quy định chức danh hàm không có trong quy định của nhà nước.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế còn chậm. Năm 2016, chỉ có 9/47 địa phương thực hiện tinh giản biên chế nhưng chưa bảo đảm mức tinh giản tối thiểu 10% so với biên chế giao năm 2015 theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, CC-VC và theo vị trí việc làm cũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc sáp nhập giảm đầu mối trung gian trong một số trường hợp mới chỉ là phép cộng cơ học, không thật sự đạt được kết quả về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc. Đáng chú ý, chất lượng cán bộ, CC-VC-NLĐ ở một số vị trí còn chưa bảo đảm; năng suất, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong xử lý, tham mưu, giải quyết công việc chưa cao.

Sử dụng biên chế còn nhiều bất cập - Ảnh 1.

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) hướng dẫn các thủ tục hành chính cho người dân (ảnh minh họa) Ảnh: Hoàng Triều

Xử lý các tồn tại trước quý I/2023

Về nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế nêu trên, đoàn giám sát cho rằng một số cơ quan chưa quyết tâm, quyết liệt trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện nhất quán tinh thần cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương.

Theo đoàn giám sát, trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước thuộc cấp ủy, người đứng đầu; các bộ phận tham mưu, giúp việc chưa nghiêm túc, kiên quyết trong việc sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, CC-VC-NLĐ, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

"Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ trong lĩnh vực này, Bộ Nội vụ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm" - báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan trong năm 2022 và quý I/2023 nghiên cứu, có các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn vừa qua. Kiến nghị giao Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế, sớm khắc phục tình trạng tinh giản biên chế một cách cơ học hoặc bình quân tại tất cả cơ quan, đơn vị như hiện nay. Đồng thời, làm rõ căn cứ xác định biên chế khối sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế ở các địa phương dân số đông, không có điều kiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng biên chế của ngành.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trước năm 2025 hoàn thành đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; làm rõ các nhân tố chưa hợp lý dẫn đến thất thoát, lãng phí các nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội. Qua đó, đề xuất thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031 gọn nhẹ, sáp nhập giảm đầu mối trung gian của một số cơ quan, đơn vị sao cho bảo đảm bộ máy hoạt động chuyên nghiệp, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực. 

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Ngày 18-10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký quyết định phê duyệt biên chế CC hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương giai đoạn 2022 - 2026.

Theo đó, tổng biên chế CC của các đơn vị này bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300. Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 101.546 biên chế. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế. Biên chế của hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương là 686.

T.Dũng

Bình Thuận, Quảng Ninh "làm đúng quy định"

Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, thừa nhận việc thừa biên chế VC trong cơ quan nhà nước ở địa phương này tồn tại từ hơn 10 năm trước nhưng chưa xử lý dứt điểm được. Theo ông Đông, do biên chế CC không có trong khi nhu cầu các đơn vị nhà nước cần nên phải tuyển thêm.

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giảm khoảng 50 biên chế VC trong cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: chuyển đổi vị trí việc làm, điều chuyển hợp lý từ cơ quan thừa sang cơ quan thiếu và không thực hiện tuyển dụng để bù vào những người đến tuổi về hưu.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết trong giai đoạn thực hiện giám sát từ năm 2014-2015, thành phố giao sai chỉ tiêu một số biên chế. Lý do, Đà Nẵng có số lượng học viên Đề án 922 (đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố) và đối tượng thu hút nhân tài được ký hợp đồng riêng.

"Tuy nhiên, Bộ Nội vụ yêu cầu số lượng đó phải nằm trong chỉ tiêu biên chế. Do vậy, từ năm 2016, 2017, 2018, Đà Nẵng đã sắp xếp, cắt dần, giao về các đơn vị để thay dần số lượng biên chế nghỉ hưu, tinh giản" - ông Đồng giải thích.

Trong khi đó, ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, cho rằng số liệu báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội - đề cập việc Bình Thuận vượt 289 biên chế CC - là theo số liệu thống kê vào năm 2017. Ông Dương khẳng định: "Chỉ tiêu biên chế CC tại tỉnh Bình Thuận hiện đúng con số của Bộ Nội vụ giao, là 2.039 người. Số chỉ tiêu này được tỉnh tiếp nhận, phân bổ đúng quy định".

Về số liệu báo cáo Quảng Ninh vượt 372 biên chế, bà Bùi Thúy Phượng, Giám đốc Sở Nội vụ, cũng cho biết tỉnh đã làm đúng quy định của Trung ương. Theo đó, Quảng Ninh không vượt chỉ tiêu biên chế VC, thậm chí hiện còn thiếu biên chế. "Theo định mức VC của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bây giờ phải tự chủ thì mới có thêm người làm việc, trong khi số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách càng ngày càng giảm" - bà Phượng nói.

Nhóm phóng viên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo