Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương: bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô...
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề, như bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm"; quy định việc tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài; thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tiếp thu ý kiến rộng rãi các nhóm chính sách thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Ảnh Đức Tuân
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2022. Về nội dung, Phó Thủ tướng yêu cầu dự thảo luật phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó, cần nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai, bao gồm phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan sớm tổ chức thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành song song các thủ tục cần thiết để bảo đảm tiến độ trình dự thảo luật. Khi tổng kết cần phân tích rõ các tồn tại, hạn chế và tìm giải pháp khắc phục. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến rộng rãi đối với các nhóm chính sách đặc thù như thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng đất đai, lấn biển... Đối với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, cần đưa ra các phương án kèm theo phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu để thảo luận.
Bình luận (0)