Ngày 22-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM có buổi giám sát đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị... về việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tại buổi giám sát, các đơn vị đều cho biết những dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đều gặp tình trạng chậm, kéo dài, có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị hiện nay chậm lại. Một trong những nguyên nhân chính là trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các quy định về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA... thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, do thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, số vốn cam kết của các nhà tài trợ khó bảo đảm; việc tính toán chi phí đầu tư cho dự án sẽ rất khó khăn do có nhiều thay đổi biến động và trượt giá dẫn đến đội vốn qua các bước thực hiện.
Trong khi đó, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban đô thị - HĐND TP HCM, nêu thực trạng các dự án ODA khi phát sinh vấn đề phải xin ý kiến nhà tài trợ với thủ tục rất lâu. Trước khi trình UBND thành phố thì phải lấy ý kiến nhà tài trợ khoảng 20 ngày. Chưa kể dự án mà có nhiều nhà tài trợ như đường sắt đô thị thì để thống nhất ý kiến có khi mất 6 tháng đến 1 năm. Sử dụng vốn ODA càng chậm, TP HCM càng thiệt.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng các dự án ODA hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là khi nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố còn hạn chế.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần nghiên cứu các quy định hỗ trợ để sử dụng tốt nguồn vốn ODA, giảm sự ảnh hưởng đến dự án từ việc điều chỉnh các quy định liên quan hoặc quá nhiều cơ quan tham mưu. Các dự án ODA có số vốn rất lớn, liên quan nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy cần có quy định riêng để không ảnh hưởng đến các quy định về đầu tư chung cho tất cả dự án. Ngoài ra, nên tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư ODA để tiến độ dự án không bị ảnh hưởng.
TP HCM đang thực hiện 7 dự án ODA
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Trần Anh Tuấn cho biết TP HCM hiện có 7 dự án ODA thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư là 117.816 tỉ đồng. Đó là: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2; dự án vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2; dự án phát triển giao thông xanh thành phố; dự án đầu tư cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại thành phố; dự án hạ tầng kỹ thuật của SECO cho dự án phát triển giao thông xanh thành phố.
Bình luận (0)