Trước thực trạng karaoke tự phát "tra tấn" người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM - đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này - đã đề xuất với UBND TP nhiều biện pháp xử lý.
Tăng mức phạt, đo tiếng ồn qua điện thoại
Theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình.
Loa công suất lớn hằng đêm được mở hát karaoke ở các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng Nghị định 155 còn bất cập do quy định việc đo đạc tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng, không đề cập phương tiện đo đạc khác, đồng thời không giao chủ tịch UBND xã được xử phạt hành vi này. Do đó, sở này cho biết cần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã, phường.
Đối với nguồn gây tiếng ồn từ các loại hình dịch vụ: vũ trường, quán bar, beer club, các quán sân vườn, hát karaoke tại nhà riêng… thì giao thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho công an và chủ tịch UBND các cấp tương tự như quy định tại Nghị định 167. Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung theo hướng cho phép sử dụng phương tiện đo tiếng ồn như phần mềm điện thoại di động (app) hoặc các phương tiện cầm tay hợp chuẩn do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành công bố.
Đồng tình với kiến nghị trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 167 đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau là chưa đủ tính răn đe. Do đó, cần đặt ra một mức phạt riêng mang tính răn đe cao, tương xứng với hành vi vi phạm và hậu quả gây ra.
Thực hiện nhiều giải pháp
Bên cạnh việc kiến nghị sửa luật, quan điểm Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là đối với các hộ gia đình, cá nhân lạm dụng việc sử dụng loa để gây ồn (karaoke, buôn bán...). Cần giao người đứng đầu chính quyền cơ sở (chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an cấp xã) trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền vận động, giải thích, hòa giải một cách hợp lý đối với các nội dung phản ánh tiếng ồn phát sinh không thường xuyên. Còn Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an TP tăng cường hướng dẫn các địa phương về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn nói chung và trong khu dân cư nói riêng.
Về giải pháp trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP giao Sở Khoa học và Công nghệ công bố, giới thiệu các app hoặc các phương tiện cầm tay đang lưu hành hợp chuẩn để trang bị cho các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cho ban điều hành khu phố, tổ dân phố để thực hiện quy ước tổ dân phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc gây ồn từ xe đẩy, hát karaoke... tại các quán nhậu ngoài trời, trên vỉa hè mang tính thời điểm nên cần có sự phối hợp của chủ quán kinh doanh để yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Lập đường dây nóng về tiếng ồn tại UBND cấp quận, cấp xã và ban điều hành khu phố để kịp thời chủ động xử lý, nhắc nhở khi có thông tin phản ánh của người dân.
Hướng dẫn tịch thu phương tiện gây tiếng ồn
Cán bộ một phường ở quận Bình Tân cho biết trước đây phường cũng đã triển khai lực lượng thường xuyên nhắc nhở, lập biên bản vi phạm, xử phạt đối với trường hợp hát karaoke gây ồn ở khu dân cư, nhất là ở khu vực phòng trọ có đông công nhân thuê trọ. UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định không gây ồn ào ở khu dân cư và đã tiến hành xử phạt một số trường hợp theo quy định. Tuy nhiên, phường mong muốn TP có hướng dẫn cụ thể về lực lượng xử phạt, mức phạt, tịch thu phương tiện vi phạm... để ngăn chặn tình trạng này.
Bình luận (0)