Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM cho thấy khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP rất lớn, được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều nguồn quản lý khác nhau. Do có lúc, có nơi bị buông lỏng trong thời gian dài nên hồ sơ không đầy đủ, nhà đất còn tranh chấp, gây khó khăn cho quản lý, kê khai.
Buông lỏng
Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Cao Thanh Bình cho biết số địa chỉ nhà đất đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý hiện nay ở TP là 12.834 với 244.184.549 m2. TP đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 625 địa chỉ, thu về 10.789 tỉ đồng cho ngân sách để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý khiến các hộ xung quanh lấn chiếm, khiếu nại, đến nay không thu hồi được.
Mặt khác, theo ông Bình, nhà đất các nơi đang cho thuê với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn, quận Thủ Đức cho thuê theo giá thị trường; trong khi quận Tân Bình cho thuê theo giá quy định được áp dụng hàng chục năm trước, không còn phù hợp thực tế. "Nếu không xem xét lại thì đây là sự lãng phí rất lớn" - ông Bình nhìn nhận.
Đất công cho thuê mà sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Bình cho biết hiện nay một số diện tích nhà đất quy hoạch cho giáo dục y tế nên cố gắng giữ, chứ không phải lúc nào cũng quy về xử lý đấu giá theo Quyết định 09/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Bình lấy ví dụ một vị trí ở quận 11, khi Ban Kinh tế - Ngân sách khảo sát thì thấy nhu cầu căng thẳng cấp bách cho giáo dục nhưng quận đang đề nghị chuyển đổi mục đích để bán cho một hộ theo Quyết định 09.
Liên quan vấn đề này, Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM đã tăng thẩm quyền quản lý tài chính, ngân sách cho TP. Theo đó, ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Ông Bình đề nghị UBND TP HCM cần có giải pháp tăng cường quản lý, kê khai đầy đủ và xử lý minh bạch, công khai nhằm tạo nguồn thu cho đầu tư, phát triển TP.
Tích cực xử lý
Liên quan đến vấn đề sử dụng đất công lãng phí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận có những biểu hiện sử dụng đất chưa hiệu quả, không đúng mục đích được giao. "Những việc này đang nằm trong quá trình kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường và các quận - huyện. Trong giai đoạn 2010-2015, qua rà soát, TP thu hồi 576 dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng chậm triển khai" - ông Thắng cho hay.
Theo ông Thắng, điều đó cho thấy kể cả khi đã có chủ trương nhưng sử dụng không đúng mục đích đất được giao hoặc không làm đều bị xử lý. Ông Thắng thông tin thêm vừa qua, Chính phủ cũng tạm dừng thực hiện Quyết định 09 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Sắp tới đây, quyết định này sẽ được sửa để sao cho sử dụng đất hiệu quả nhất, bởi đất đai là nguồn lực rất lớn sau nguồn lực về vốn.
Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết hiện trên địa bàn TP có 4 cơ quan quản lý nhà, đất công: Trung tâm Phát triển quỹ đất (quản lý đất sạch), Công ty Quản lý Kinh doanh nhà (quản lý biệt thự, công sở), công ty dịch vụ công ích các quận - huyện (quản lý nhà, nhà phố, nhà đơn lẻ, nhà chưa có xử lý theo Quyết định 09) và các cơ quan trung ương (gồm các doanh nghiệp, bộ, ngành) - số này rất lớn.
Theo ông Hoan, với quỹ đất sạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải đấu giá để thu tiền triển khai các dự án của TP HCM, đồng thời phục vụ các dự án BT. Còn công ty dịch vụ công ích quận - huyện đang thống kê, rà soát hơn 1.000 căn nhà để tiến hành thu hồi. "Việc này chúng ta đã chủ trương từ rất lâu nhưng cần có thời gian bởi khâu thẩm định, thực hiện rất khó khăn. TP đã giao các địa phương phải làm để có nguồn đầu tư phát triển cho chính mình. Các địa phương cũng làm nhưng mỗi năm chỉ được khoảng 20 căn" - ông Hoan nói.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết giai đoạn 2016-2020, khoảng 1.283 dự án có sử dụng đất công. Trong đó, khoảng 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. Sở đang tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý rốt ráo, tránh sử dụng sai mục đích.
Văn bản chưa thống nhất, thất thoát mãi còn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng trong quá trình thực hiện Quyết định 09 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và một số văn bản liên quan, có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Do đó, ông Châu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc quyết định thay thế Quyết định số 09 để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
L.PHONG
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-12
Bình luận (0)