Trước những ý kiến trái chiều của người dân lẫn những người am hiểu bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ về việc "chó đờn ca tài tử" xuất hiện tại đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Xuân Mậu Tuất 2018, trưa 12-2, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng – tác giả của đường hoa này.
Soạn giả - nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng
- Phóng viên: Được biết, ông là người thiết kế nên đường hoa nghệ thuật Xuân Cần Thơ năm nay. Vậy, để hoàn thành ý tưởng này, ông phải mất bao nhiêu thời gian?
- Soạn giả Nhâm Hùng: Xong đường hoa năm rồi thì mình đã chuẩn bị cho đường hoa năm nay rồi. Mình nuôi cái ý tưởng đó dài dài. Thật ra, tôi cũng lên đường hoa TP HCM và các nơi để tham quan và làm cho có nét khác biệt. Ví dụ như đường hoa ở TP HCM có nhiều đàn chó, còn ở Cần Thơ thì gọn lại thôi. Theo đó, trước cổng thì chỉ một con chó to mang ý nghĩa là "chào"; còn bên trong có điểm nhấn là dàn chó tấu nhạc tài tử có nhạc, có động đậy. Ngay cả biển đảo cũng có con chó ngồi canh giữ biển trời. Ngoài ra còn có mô hình con chim công vỗ cánh và hoa trái ngày Xuân. Mô hình năm nay là chuyển động chứ không "chết". Bởi lẽ, đường hoa nghệ thuật phải kết hợp giữa hoa thực và hoa mô hình thì mới đạt được ý tưởng mong muốn.
Mô hình chó đờn ca tài tử tại đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Xuân Mậu Tuất 2018 đang gây nhiều ý kiến trái chiều
Đối với mô hình chó, nhiều người hỏi sao không cho chó sủa? Nói theo dân gian truyền thống thì chó sủa là đuổi khách nên tôi chỉ làm chó "chào" khách. Còn làm chó nhiều quá thì người ta nói "chó hùa" nên làm ít thôi. Mình phải nghiên cứu dân gian thật kỹ rồi mới làm.
- Nhưng 2 ngày qua, dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trước việc trong đường hoa nghệ thuật có mô hình chó đờn ca tài tử. Bởi lẽ, đờn ca tài tử không chỉ gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Nam bộ mà nó còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy, ông nói gì về mô hình này?
- Soạn giả Nhâm Hùng: Nhiệm vụ của mình là bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử vì nó là đặc trưng của văn hóa Nam bộ. Và làm sao mình gắn được với linh vật chó. Linh vật chó thường thì vui tươi nhưng chúng ta nhân hóa nó lên, làm cho chó biết suy nghĩ, biết cảm xúc. Muốn vậy thì phải kết hợp hình ảnh để xem và nghe. Tôi nghĩ, nói tớt Tết nhứt và nói tới tài tử thì nói tới những chú chó gảy đàn là hình ảnh vui tươi, sống động. Cái này phải kết hợp cả năm trời ý tưởng. Ví dụ Tết năm rồi xong thì có người hỏi năm nay năm chó phải làm sao cho vui tươi, dí dỏm. Chứ nếu con chó mà mặt hung dữ thì người ta chạy hết. Hoặc chẳng hạn như chó sủa, ngay từ đầu tôi bác ngay ý tưởng này. Thứ hai là mấy ông thiết kế đề nghị làm đàn chó nhiều con nhưng tôi nói không được, vì đó là "chó hùa".
Theo tôi, trong 12 con giáp thì con nào cũng có thể nhân hóa lên vì nó gần gũi với con người, trừ rắn độc và cọp. Gà, chó, heo, gia súc, gia cầm đều gần gũi với con người. Vì nó gần gũi nên mình mới nhân hóa nó lên. Ý tôi muốn nói là chó đôi khi vẫn tiết tấu đờn ca tài tử, mê đờn ca tài tử. Mà thực tế mình có chăn nuôi gà gì đó mà mình mở nhạc thì cảm thấy nó "sung" ra. Người ta nuôi gà bằng âm nhạc thì tại sao mình không đưa âm nhạc gắn với loài chó? Cái này không có gì phải băn khoăn. Chó đâu phải loài vật xấu. Chó không chỉ gần gũi mà còn trung thành với chủ, gắn liền với mái nhà, xóm làng. Vì thế, chó gắn liền với đờn ca tài tử là lẽ bình thường.
- Trước khi đưa mô hình này vào đường hoa Xuân Mậu Tất 2018, ông có lường trước được phản ứng trái chiều của dư luận không, thưa ông?
- Soạn giả Nhâm Hùng: Lường trước chứ. Nếu tôi để "dàn nhạc tài tử chó" thì mới kỳ, còn ở đây tôi để "các chú chó tấu nhạc tài tử". Ngay cả chữ nghĩa tôi cũng phải cân nhắc. Có ý kiến là quyền của người ta mà. Anh em nào cần tranh luận thì tôi sẵn sàng lý giải rõ hơn.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Đường hoa nghệ thuật do sở chủ trì làm và giao cho một công ty ở TP HCM thi công. Trước khi làm đường hoa nghệ thuật, hội đồng gồm các ban ngành liên quan đã họp và thống nhất thông qua các mô hình trong đường hoa. Do năm nay năm Mậu Tuất nên mới làm mô hình chó đờn ca tài tử và đã được hội đồng thông qua".
Soạn giả Hà Nam Quang (ngụ An Giang) - một trong những soạn giả cải lương nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ - cho rằng: "Năm Tuất nhưng anh em cho chó "ôm đờn" như vậy thì cá nhân tôi cảm thấy phản cảm, không khéo thì người ta nghĩ dân đờn ca tài tử là vậy thì chết luôn. Tôi hiểu anh em làm bằng thiện ý chứ không phải ác ý gì. Tuy nhiên, nhiều cái "tình thương vô ý gây nên tội" thì khổ".
TÂM QUÂN - CA LINH
Bình luận (0)