Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại Thanh Hóa khiến 2 người chết, 10 người bị thương hôm 24-5. Ảnh: Tuấn Minh
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt, nhận định việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc cục, trực tiếp hay gián tiếp đến công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông đường sắt là cần thiết để răn đe, chấn chỉnh trong thực thi công vụ. Đồng thời là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý, thực thi công vụ theo nhiệm vụ được giao.
Cục Đường sắt cho biết đã tổ chức họp kiểm điểm, nghiêm túc xem xét, đánh giá lại trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến 4 vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra từ ngày 24 đến 27-5.
Theo đó, cuộc họp đã thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc diện Bộ Giao thông Vận tải quản lý gồm:
Cục trưởng Vũ Quang Khôi nhận trách nhiệm, hình thức kỷ luật là phê bình nghiêm khắc và chịu hình thức kỷ luật của Bộ GTVT do liên đới trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu.
Phó cục trưởng Khương Thế Duy nhận trách nhiệm, hình thức kỷ luật là khiển trách do trực tiếp phụ trách công tác an toàn giao thông đường sắt.
Ngoài ra, lãnh đạo các phòng Tham mưu và Thanh tra an toàn của Cục Đường sắt có 3 người chịu kỷ luật khiển trách, 11 người chịu hình thức phê bình nghiêm khắc.
Hiện nay, Cục Đường sắt đang chờ lãnh đạo Bộ GTVT xem xét các hình thức kỷ luật.
Cũng liên quan đến các vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp, giữa tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của VNR.
Lãnh đạo VNR đã họp kiểm điểm, kỷ luật hàng loạt giám đốc các đơn vị và cách chức nhiều cán bộ liên quan. Tại cuộc họp của hội đồng kỷ luật, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR, và ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc VNR, đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu và đưa ra quyết định phê bình nghiêm khắc đối với 2 lãnh đạo này.
Ngoài ra, trưởng dồn ga Núi Thành (Quảng Nam) bị đề nghị sa thải, trưởng ga Núi Thành bị cách chức; cung trưởng cung chắn Hoàng Mai (Thanh Hóa), đội trưởng đội quản lý đường sắt số 5 (Thanh Hóa) bị cách chức… Nhiều người khác nhận hình thức kỷ luật từ phê bình, khiển trách đến kéo dài thời gian nâng lương.
Trước đó, liên tiếp trong các ngày 24, 26 và ngày 27-5, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM đã xảy ra 4 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng làm chết 2 người, bị thương 11 người và làm thiệt hại lớn về phương tiện và tài sản. Cụ thể:
Lúc 0 giờ 30 ngày 24-5, tại Km234+050 (xã Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tàu SE19 chạy hướng Hà Nội - TP HCM đã va chạm với xe tải. Hậu quả 2 người chết, 10 người bị thương, 150 m đường sắt bị hư hỏng, 6 toa tàu và đầu máy bị lật đổ.
Chiều 26-5, hai tàu chở hàng đã đâm trực diện nhau tại ga Núi Thành (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khiến 2 đầu máy và 4 toa xe hàng bị trật bánh, một số toa xe bị bung cửa, hàng hóa văng khỏi toa xe.
Chiều 26-5, tại ga Yên Xuân (Nghệ An) tàu chở hàng trật bánh khiến 1 cột tín hiệu ga bị đổ, hư hỏng 2 toa xe hàng.
Khoảng 13 giờ ngày 27-5, đoàn tàu hàng SH3 chạy hướng Hà Nội - TP HCM đi qua đường ngang tự mở tại xã Diễn An, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đâm vào xe bồn vượt qua đường sắt. Hậu quả lái xe ô tô bị thương.
Bình luận (0)