Phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có đến 80% dân số dựa vào biển để mưu sinh. Ban ngày, trong các ngôi nhà ở đây chỉ toàn phụ nữ và trẻ em vì đàn ông đã ra khơi. Sức sống trong các ngôi nhà chỉ bật dậy vào các buổi chiều, đó là lúc phụ nữ tất tả ra đầu ngõ đón chồng về sau chuyến biển. Trẻ em vui mừng đón cha về mang theo các món quà từ biển. Thế nhưng, có những gia đình mãi mãi không bao giờ có được niềm vui và sự chộn rộn đó.
Ba không về nữa
Đó là hoàn cảnh của chị Dương Thị Hồng Loan (SN 1978; ngụ khu phố 4, phường Đức Long). Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thanh, mãi mãi không trở về sau chuyến đi biển từ 2 năm trước.
Chị Loan không bao giờ quên buổi chiều tang tóc đó, khi đang ngồi trò chuyện với chị em quanh xóm để chờ chồng về như thường lệ thì các bạn thuyền về thông báo tin dữ, anh Thanh đã tử nạn trên biển. Sau khi lặn sâu dưới đáy biển để bắt hải sản như mọi khi, lúc ngoi lên, anh Thanh bất ngờ kêu đau, sau đó cả người tím tái, cứng đờ rồi bất tỉnh. Các bạn thuyền đưa anh lên thuyền cấp cứu nhưng không kịp.
Mất đi trụ cột gia đình, giờ chị Loan vừa là cha vừa là mẹ của 4 đứa con nhỏ. Chị Loan làm đủ nghề để kiếm sống, từ làm thuê làm mướn cho các vựa hải sản đến phụ giúp việc nhà.
Cách nhà chị Loan tầm 10 căn, chị Nguyễn Thị Dung (SN 1976) cũng có hoàn cảnh tương tự. Chồng chị là anh Nguyễn Hoàng Hải (SN 1975). Sinh ra ở biển, anh Hải gắn bó với biển để mưu sinh từ nhỏ. Gần 20 năm làm nghề, khoảng thời gian anh ở dưới nước nhiều hơn trên bờ. Và tai nạn ập đến bất ngờ. Anh cũng tử vong sau khi lặn mò hải sản, để lại vợ và 4 đứa con, nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Dung một mình nuôi 4 con nhỏ sau khi chồng qua đời
Chị Dung kể anh Hải hiền và ít nói. Anh thường ra khơi lúc 1-2 giờ, khi vợ con còn ngủ và trở về lúc trời chạng vạng. "Mỗi ngày, chiều nào tôi cũng dắt 4 đứa con ra đầu hẻm đợi chồng về. Biết cả nhà đợi, sau chuyến biển, anh thường mang về làm quà cho các con những mảnh sò, mẩu san hô rất lạ mà anh kể phải lặn sâu lắm mới lấy được" - chị Dung nghẹn ngào.
Giờ thì anh đã đi mãi không về. Ngôi nhà chị Dung trống không thể trống hơn được nữa. Chị Dung kể khi hay tin anh mất, chị khóc cạn nước mắt, nhiều lúc muốn chết theo anh nhưng nghĩ tới các con nên phải sống. Vậy là chị lao vào làm đủ thứ nghề, ai kêu gì cũng làm, để lo con các con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Gánh nặng dồn lên vai vợ
Ông Nguyễn Văn Chín (chủ tàu cá BTh 97684; ngụ khu phố 4, phường Đức Long) có thâm niên đi biển gần 30 năm trầm ngâm khi chúng tôi đề cập những khó khăn, nguy hiểm của nghề đi biển. Ông nói sinh ra lớn lên ở biển, không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì. Biển nuôi sống ngư dân nhưng nhiều lúc cũng nhấn chìm họ xuống. Không dưới 3 lần ông Chín chứng kiến những vụ tai nạn xảy ra đối với bạn thuyền. Họ đều là những thanh niên trẻ trung, mạnh khỏe nhưng sau tai nạn, người thì ở lại với biển mãi mãi, người trở nên tàn phế.
Anh Nguyễn Hoàng Long giờ như đứa trẻ lên 3 chập chững tập đi sau tai nạn
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Long (SN 1976; ngụ khu phố 5, phường Đức Long). Anh Long may mắn còn sống sau tai nạn từ 2 năm trước. Từ một thanh niên khỏe mạnh, một thời tung hoành dưới nước như con rái cá, giờ anh giống một đứa trẻ yếu ớt đang tập đi. Kể lại ngày gặp nạn, anh Long vẫn bần thần. Lúc đó tầm 11 giờ, cũng như mọi khi, anh lặn sâu dưới đáy biển với dụng cụ hỗ trợ là chiếc máy nén khí. Khi ngoi lên mặt nước, anh thấy ngứa ở bụng, rát ở ngực, sau đó thì chóng mặt, nôn mửa, mất cảm giác từ ngang rốn trở xuống, hai chân mềm nhũn. Chủ tàu và bạn thuyền đưa anh đi cấp cứu. Hơn 3 tháng điều trị, đôi chân anh vẫn bất động. Sau quá trình dài kiên trì nỗ lực tập vật lý trị liệu cũng như tập đi, bây giờ chân anh có thể cử động được nhưng vẫn rất yếu. Từ trụ cột gia đình với 2 con nhỏ, giờ đây, tất cả gánh nặng mưu sinh đổ dồn trên vai vợ.
Theo thống kê của UBND phường Đức Long, trung bình mỗi năm, trên địa bàn phường xảy ra từ 6-8 trường hợp tai nạn lao động trên biển. Hầu hết rơi vào trường hợp ngư dân làm nghề lặn. Trong đó, khoảng 50% là tử vong, số còn lại thì bị di chứng bại liệt. Đối với những trường hợp tử vong, nếu chủ tàu có đóng bảo hiểm cho người lao động thì được hỗ trợ 70 triệu đồng. Còn những trường hợp bị tàn tật thì hầu như không có chính sách hỗ trợ nào cả. Vì vậy, những ngư dân bị nạn đều phải sống phụ thuộc vào gia đình hay tự làm nghề khác để mưu sinh như bán vé số, đan lưới...
Theo Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, thống kê từ những đài thông tin hàng hải đặt dọc các tỉnh duyên hải cho thấy mỗi tuần có 6-8 vụ tàu cá gọi cấp cứu vì cháy nổ (điện, nhiên liệu), sét đánh, tàu chìm, chết máy, tai nạn thân thể, rơi xuống biển...
Theo thống kê của viện này, ngư dân thường mắc bệnh về tai chiếm tỉ lệ 54%, đau cột sống 17%, đường ruột 11%... Bên cạnh đó còn một số bệnh đặc trưng như chân voi (do đi chân không), đột quỵ (do lặn)... Nguyên nhân dẫn đến tai nạn do trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, không được đào tạo nên sử dụng các thiết bị không đúng, xử lý tình huống tai nạn kém hiệu quả; phương tiện đánh cá xa bờ lạc hậu không đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo hộ lao động...
K.Nam
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-11
Kỳ tới: Ngư dân đi học
Bình luận (0)