xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tài xế Grab tắt app phản đối tăng khấu trừ

THU HỒNG - NGUYỄN HẢI - NGUYỂN HƯỞNG

Việc Grab áp dụng tỉ lệ khấu trừ thuế GTGT tính trên doanh thu cuốc xe với mức gần 10% ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tài xế, dẫn đến việc nhiều tài xế Grab tắt app để phản đối

Ngày 7-12, ở Hà Nội và TP HCM, nhiều tài xế xe máy công nghệ GrabBike đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối hãng xe công nghệ Grab tăng chiết khấu thuế GTGT.

Quyền lợi bị ảnh hưởng

Từ buổi sáng, rất đông tài xế GrabBike tập trung trước trụ sở Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để phản đối. Sau khi bị cảnh sát nhắc nhở, nhiều tài xế GrabBike tập trung diễu hành qua nhiều tuyến phố.

Ở TP HCM, nhiều tài xế GrabBike tập trung chạy thành đoàn qua một số tuyến đường và tập trung gần Văn phòng hỗ trợ đối tác Grab tại một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) với mong muốn đối thoại với đại diện văn phòng Grab tại TP HCM.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Grab chuyển đổi cách tính thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12.

Theo Nghị định 126, các hãng xe công nghệ phải nộp 10% GTGT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% GTGT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% GTGT trên phần chiết khấu thu về như trước.

Thực hiện theo nghị định mới, Grab điều chỉnh giá cước đối với hành khách và tăng tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế. Cụ thể, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP HCM tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km; Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km. Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Về tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe, mức khấu trừ đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%; tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25% (bao gồm phí ứng dụng + phí GTGT + thuế thu nhập cá nhân). Tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.

Theo nhiều tài xế GrabBike, việc tăng tỉ lệ khấu trừ thuế của Grab đã đánh thẳng vào "chén cơm" của họ, khiến thu nhập giảm. Ông Lê Văn Quyền (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết ông làm tài xế GrabBike hơn 3 năm, đã chịu nhiều thiệt thòi từ chính sách của hãng xe này và nay thiệt hại càng nặng hơn. Ông Quyền cho rằng với mỗi cuốc xe 50.000 đồng, ông bị chiết khấu 10.000 đồng, nay bị tăng lên gần 20.000 đồng, chưa kể bị trừ các loại phí, thuế là quá cao.

Anh Tuấn, tài xế GrabBike tại TP HCM, dẫn chứng bảng tính cước một cuốc xe từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến đường Lại Hùng Cường (huyện Bình Chánh) mà anh vừa chạy được trong ngày 7-12. Cuốc xe giá 61.000 đồng nhưng sau khi bị khấu trừ các khoản, chỉ còn lại 44.363 đồng, tức bị trừ gần 30%. "Trước đây Grab thu chiết khấu 20%, tài xế còn gồng gánh được nhưng nay chiết khấu tăng thêm gần 10%, nếu trừ tiền xăng, tiền điện thoại thì tài xế không còn bao nhiêu. Do đó, chúng tôi đề nghị Grab xem xét, giảm bớt tỉ lệ chiết khấu" - anh Tuấn bày tỏ.

Tài xế Grab tắt app phản đối tăng khấu trừ - Ảnh 1.

Tài xế GrabBike tập trung tại trụ sở Grab Việt Nam ở Hà Nội đề nghị không tăng mức khấu trừ thuế vào cước xe. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Grab nói gì?

Trước phản ứng của tài xế GrabBike, đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam giải thích trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7% một năm. Còn sau khi điều chỉnh cước mới, thu nhập của tài xế chỉ giảm với mức 1%/năm. Cước phí mới vẫn bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường. Việc tăng giá cước còn nhằm mục đích tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong tương lai, duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ.

Ngay trong tối cùng ngày, Grab Việt Nam cũng có thông báo chính thức về vụ việc. Thông báo nêu rõ theo Nghị định 126, thuế GTGT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp; đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Grab cũng cho rằng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế. Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ pháp luật Việt Nam. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trong thông báo, Grab Việt Nam còn cho biết trước khi Nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực, chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. "Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này. Grab luôn trân trọng và lắng nghe các phản hồi từ người dùng và đối tác. Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan" - thông báo nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo đại diện Gojek Việt Nam, hãng xe công nghệ này cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 126. Đại diện Gojek Việt Nam cho rằng việc thu thuế đối với loại hình xe công nghệ vẫn chưa rõ ràng. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ không quy định dịch vụ xe công nghệ 2 bánh là dịch vụ kinh doanh vận tải, trong khi Gojek Việt Nam hoạt động theo mô hình công nghệ kết nối chứ không phải đơn vị vận tải. Với nền tảng công nghệ kết nối người dùng với người cung cấp dịch vụ, Gojek Việt Nam đóng thuế GTGT 10% trên phần doanh thu được chia sẻ, còn đối tác (tài xế) nộp trực tiếp 3% trên phần thu nhập của họ. Trong khi đó, Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế lại yêu cầu các tổ chức có trách nhiệm khai báo thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu. 

Cách tính thuế của Grab chưa ổn

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, giải thích theo quy định tại Nghị định 126, trong trường hợp của Grab, doanh nghiệp phải kê khai thuế GTGT 10% trên tổng doanh thu và sẽ được khấu trừ đầu vào. Còn người lái xe 2 bánh chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên phần thu nhập được hưởng, trong trường hợp thu nhập chịu thuế trong năm từ 100 triệu đồng trở lên. Như vậy, với cách tính của Grab, nhiều tài xế thu nhập chưa tới 100 triệu đồng/năm nhưng vẫn bị áp thuế GTGT 10%.

Cũng theo ông Đặng Ngọc Minh, trách nhiệm kê khai thuế GTGT thuộc về doanh nghiệp vì đây là loại thuế tiêu dùng, đánh vào khách hàng chứ không phải đánh vào tài xế. Trong trường hợp có sự xuất hiện của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu và được khấu trừ đầu vào để bảo đảm công bằng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo