Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) sáng 12-10 tổ chức lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.
Đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước
Tham dự sự kiện còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và trên 200 đại biểu doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi đến toàn thể quý vị đại biểu, đội ngũ doanh nhân Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Nêu bật những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng doanh nhân, trong cuộc chiến chống lại và kiểm soát cơ bản đại dịch COVID-19 trong năm 2021, Thủ tướng thông tin trong 9 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, GDP quý III tăng cao 13,67%; các ngành, lĩnh vực kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; xuất siêu hơn 6,5 tỉ USD; vốn FDI thực hiện đạt 15,3 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với những đột phá quan trọng. An sinh xã hội (hơn 1 năm qua đã hỗ trợ khoảng 86.000 tỉ đồng cho khoảng 56 triệu lượt người lao động và trên 850.000 người sử dụng lao động theo các Nghị quyết 68, 126, 116 của Chính phủ), trật tự an toàn được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường, xử lý hài hòa, phù hợp.
Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 của thế giới…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Trong thành tích chung đó, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.
Chúng ta rất vui mừng với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong dịch COVID-19".
"Lửa thử vàng - gian nan thử sức", Thủ tướng Phạm Minh Chính tin rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm - Tài - Trí - Tín vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển; đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng; vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (bìa phải, hàng trước) trao danh hiệu cho các doanh nhân tiêu biểuẢnh: TTXVN
Chú trọng đạo đức kinh doanh
Trước đó, khai mạc lễ kỷ niệm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu: "Cách đây 77 năm, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam vào ngày 13-10-1945. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 2004, ngày 13-10 hằng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nhân với sự phấn khởi, tự hào đã gọi ngày 13-10 là ngày Tết Doanh nhân!".
Theo ông Phạm Tấn Công, dù vui mừng vì sự phục hồi và đóng góp của doanh nghiệp trong một năm qua cho nền kinh tế đất nước, song cộng đồng doanh nhân nhận thức rõ chặng đường phía trước còn dài và đầy thách thức, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc: Phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra, như mong muốn của Bác Hồ để nước ta sánh vai các cường quốc năm châu.
Ông Phạm Tấn Công gửi gắm: "Văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa cũng soi đường doanh nhân tiến lên. Không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì không có phát triển bền vững và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất. Doanh nhân, với vai trò là thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy hình thành và định hình văn hóa doanh nghiệp, từ đó hình thành văn hóa kinh doanh của cả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.
Do vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm
Chính phủ tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ:
(1) Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển của đất nước. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo.
(2) Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
(3) Điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát triển mạnh các loại thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.
(5) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp; đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
(6) Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
(7) Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
(8) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.
(9) Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, nhà ở cho công nhân, hệ thống y tế cơ sở.
(10) Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.
(11) Phát triển, lành mạnh hóa, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo.
(12) Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.
Bình luận (0)