l Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, tháng 6-2019, Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ)
bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp bỏ phiếu của Đại hội đồng LQH ở New York (Mỹ), xin ông chia sẻ ý nghĩa của sự kiện này?
- Thứ trưởng LÊ HOÀI TRUNG: Mười năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, tháng 6-2019, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu rất cao: 192/193 phiếu. Số phiếu cao kỷ lục gần như tuyệt đối này thể hiện sự tín nhiệm và tình cảm với Việt Nam và sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về một nước Việt Nam có truyền thống trong quá khứ đã đấu tranh vì các mục tiêu cũng chính là các mục tiêu của LHQ, trong đó mục tiêu hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ ngày 7-6-2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam, bày tỏ sự cảm ơn tới cộng đồng quốc tế và cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm trên cương vị mới tại HĐBA LHQ Ảnh: THX/TTXVN
Đó cũng là sự nhìn nhận và tôn trọng những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới như hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các nhóm dân cư và về hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã khẳng định các nước cùng phe đồng minh chống phát xít, chính là các nước LHQ đã ủng hộ nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc sẽ tôn trọng độc lập của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên HĐBA LHQ, đóng góp vào việc phát huy nguyên tắc của LHQ về độc lập dân tộc, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực… Số phiếu cao cho thấy uy tín và vị thế của Việt Nam cũng như vị trí rất đặc biệt trong trái tim của cộng đồng quốc tế.
l Cộng đồng quốc tế đã và đang kỳ vọng như thế nào ở Việt Nam trong vai trò mới tại HĐBA LHQ?
- Thứ nhất, tôi cho rằng đại đa số các nước mong muốn Việt Nam phát huy kinh nghiệm của mình, những giá trị của mình trong đề cao độc lập dân tộc, ngăn ngừa xung đột, kinh nghiệm của Việt Nam về tái thiết sau chiến tranh, kinh nghiệm của Việt Nam về hòa giải với những nước đã từng là một bên gây chiến ở Việt Nam. Những kinh nghiệm, mong muốn, giá trị, hoài bão của Việt Nam về hòa bình, về quyền dân tộc tự quyết, kinh nghiệm về hòa giải là rất nhiều. Thứ hai, vị thế của Việt Nam đã được các nước biết đến trong thành tựu đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc với những dấu mốc năm 1945, 1954, 1975; và sau này, cả những năm 1980, thời kỳ khó khăn của Việt Nam.
Cùng với sự thành công của nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2009, việc trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần thứ 2 nhiệm kỳ 2020-2021 là tầng cao mới trong quan hệ Việt Nam và LHQ, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế với LHQ đóng vai trò trung tâm. Việt Nam hết sức coi trọng việc tham gia HĐBA với mục đích thúc đẩy công việc HĐBA vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên LHQ. Khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên HĐBA, cả thường trực và không thường trực chung tay duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước, hợp tác quốc tế.
l Năm 2020, Việt Nam còn là Chủ tịch của ASEAN. Đâu là những ưu tiên của Việt Nam khi thực hiện "vai trò kép" này?
- Trải qua các thời kỳ và giai đoạn khác nhau của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đối ngoại đa phương, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào tổng thể công tác đối ngoại của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đối ngoại đa phương, coi đây là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, với chủ trương Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, "chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ" và "chủ động và tích cực đóng góp xây dựng và định hình các thể chế đa phương".
Do đó, trong 2 năm tham gia cơ quan quan trọng nhất của LHQ, Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực gồm: Một là, thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột, điểm nóng phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Hai là, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy sự hợp tác, phối hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa HĐBA và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, trong đó có ASEAN. Ba là, thúc đẩy nâng cao vai trò và hiệu quả của HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Bốn là, thúc đẩy các nỗ lực tái thiết hậu xung đột, nhất là khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; là một nước trải qua chiến tranh, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Năm là, thúc đẩy các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, trẻ em trong xung đột vũ trang, bảo vệ và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xung đột và những nỗ lực giải quyết xung đột…
Khi đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ ngay trong tháng 1-2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 2 sáng kiến: Một là cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng của HĐBA với chủ đề "Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì nhân dịp kỷ niệm 75 năm ký kết Hiến chương LHQ. Hai là, với vai trò song song là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy thảo luận tại HĐBA LHQ về tầm quan trọng của hợp tác giữa HĐBA, LHQ và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, trong đó nhấn mạnh về vai trò của ASEAN.
l Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào HĐBA LHQ là gì, thưa ông?
- Một trong những mục tiêu rất quan trọng của chính sách đối ngoại của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đất nước hòa bình, ổn định cũng tạo điều kiện cho chúng ta đạt được những thành tựu mang dấu ấn quốc gia.
Việt Nam rất mong muốn có hòa bình và phấn đấu vì hòa bình. Việt Nam tham gia HĐBA LHQ sẽ phát huy vai trò, tạo điều kiện, môi trường quốc tế thuận lợi để Việt Nam và khu vực hòa bình, ổn định hơn, từ đó tạo nền tảng cho hợp tác. Nếu Trung Đông bất ổn, không thể nói là không ảnh hưởng tới Việt Nam, vì đó là các đối tác thương mại, đầu tư và thị trường lao động của Việt Nam. Ở châu Phi, các nước khó khăn cũng đều là bạn bè truyền thống của chúng ta, là đối tác kinh tế, đối tác đầu tư tiềm năng…
Trên tinh thần chủ đề của Việt Nam là "Đối tác vì hòa bình bền vững", Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với tất cả thành viên HĐBA, thành viên LHQ vì mục tiêu chung gìn giữ hòa bình, an ninh và bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân ở khu vực và trên thế giới.
Bình luận (0)