Trước thông tin có một nhóm người đánh bắt hàng tấn cá trái phép tại hồ Tây, mới đây, UBND quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã phối hợp công an quận này xử lý, thu giữ nhiều phương tiện liên quan hành vi tổ chức đánh bắt cá trái phép.
Ảnh hưởng môi trường sinh thái
Các hồ ở nội thành Hà Nội như Yên Sở, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất, hồ Thủ Lệ trong Vườn Bách thú Hà Nội, hồ Nghĩa Đô… đóng vai trò điều tiết khí hậu, thoát nước… Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đánh bắt, câu cá vẫn diễn ra rầm rộ, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các hồ.
Tình trạng câu cá trái phép diễn ra thường xuyên tại nhiều hồ ở TP Hà Nội
UBND TP Hà Nội năm 2016 đã có quyết định về việc phân cấp quản lý nước ở một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là đơn vị được giao quản lý trực tiếp các hồ khác trên địa bàn thành phố. Các cơ quan chức năng ra văn bản yêu cầu các quận, huyện xử lý những người đánh bắt cá trái phép.
Cấm thì cấm vậy nhưng dân câu cá chuyên nghiệp lẫn không chuyên vẫn đánh bắt cá rầm rộ mỗi ngày nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Ông Văn Thạch, người dân sống cạnh hồ Tây, cho biết các hồ ở nội thành đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu của thành phố, nhất là mật độ xây dựng ngày càng lớn. "Hằng năm, chính quyền địa phương thả cá xuống hồ nhằm cải thiện môi trường nước. Thế nhưng, không hiểu sao nhiều người lại chăm chăm vào đánh bắt. Thú vui gì lạ thế, ăn uống được bao nhiêu mà tận diệt môi trường mọi người đang chung tay gầy dựng" - ông Thắng bức xúc. Riêng luật sư Nguyễn Văn Toàn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng để không còn tái diễn tình trạng đánh bắt cá tại các hồ, chính quyền Hà Nội cũng như các quận, huyện cần phải xác định và gắn rõ trách nhiệm, hình thức xử lý với các lực lượng liên quan như chính quyền phường, công an khu vực…
Không thể chấp nhận
Còn tại TP HCM, chính quyền địa phương xây dựng hàng loạt công trình cải thiện môi trường nước trên kênh Tàu Hủ, Thị Nghè… Bên cạnh đó, hàng chục tấn cá được thả xuống kênh mỗi năm nhằm cải thiện chất lượng nước, tạo cảnh quan cho không gian công cộng. Thế nhưng, cá thả xuống chưa được bao lâu thì nhiều người lén lút ra câu. Thậm chí, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nhiều nhóm người chuyên giăng lưới, chích điện đánh bắt cá lúc chiều tối và sáng sớm. Khi nhiều người dân góp ý, nhóm người này còn đe dọa, đòi hành hung.
Có thể hiểu được thú vui câu cá của nhiều người ở nội thành, nhưng đánh bắt quy mô và làm ảnh hưởng đến môi trường như trên là hành vi không thể chấp nhận. Từ nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã ra quy định cấm đánh bắt cá trên kênh và xử phạt người vi phạm. Thế nhưng, lệnh cấm này chỉ như phong trào, qua một thời gian thì đâu lại vào đấy.
Hà Nội và TP HCM là những thành phố hiện đại bậc nhất cả nước. Cả hai may mắn có được hệ thống ao hồ và kênh rạch trải khắp các quận, huyện. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường và điều tiết khí hậu. Khi thành phố càng phát triển, hệ thống ao hồ, kênh rạch này cần phải được xây dựng theo đúng nghĩa đen: trên bến dưới thuyền, cá lội tung tăng. Hưởng thụ cảnh quan này là quyền lợi chung của mọi người và xứng tầm là đô thị phồn hoa. Muốn hiện thực hóa phong cảnh trên thì ngay bây giờ phải bắt đầu từ việc nhỏ: dọn sạch sẽ kênh rạch, ao hồ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bình luận (0)