Việt Nam có nền kinh tế khá hấp dẫn với các đối tác quốc tế bởi tiềm năng lớn từ lực lượng người tiêu dùng trung lưu phát triển nhanh. Việt Nam còn là trung tâm kết nối với thế giới nhờ lợi thế địa chính trị và múi giờ hấp dẫn nhà đầu tư tài chính. Bởi vậy, đã có hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu tại Việt Nam; nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo các nước với những bản ghi nhớ hợp tác, cam kết đầu tư.
Cơ hội cũ, bắt nhịp mới
Tuy vậy, trong một thế giới bất định, rủi ro, tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Có thể kể đến khó khăn từ giá cả nguyên nhiên liệu, chi phí logistics tăng, đằng sau đó là câu chuyện chi phí tăng và kéo theo lạm phát. Mặt khác, nếu lạm phát giảm thì đồng nghĩa các chính sách nới lỏng và biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước cũng giảm dần, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính, nợ công, nợ tư nhân; rủi ro đến từ thị trường chứng khoán, bất động sản... và đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong 2 năm qua, Việt Nam đã bắt nhịp khá tốt để tận dụng những cơ hội mà thị trường thế giới mang lại, nhất là từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch song các cam kết đầu tư vẫn tương đối cao. Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng, tiến bộ công nghệ và cơ hội đầu tư FDI nhờ sức hấp dẫn nội tại. Tuy nhiên, điều chúng ta mong muốn trong năm 2022 và các năm sau là tận dụng những cơ hội này tốt hơn nữa.
Trong bối cảnh dịch bệnh tạo áp lực lớn về việc hồi phục và phát triển kinh tế, Việt Nam cần sự đột phá, quyết liệt và tốc độ trong xử lý mọi vấn đề liên quan để có thể nắm chắc và tận dụng được cơ hội bứt phá. Quan trọng nhất là có giải pháp hạn chế rủi ro khách quan, dám làm, dám đột phá. Nếu không, chúng ta sẽ thiệt hại chi phí cơ hội có thể còn lớn hơn thiệt hại từ tham nhũng, thất thoát.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Quốc tế Dony (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Cần chương trình hồi phục nhanh, mạnh
Tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 ước đạt 2% - mức thấp nhất trong cả quá trình đổi mới - do chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch. Đà phục hồi bắt đầu trở lại song còn rất nhiều khó khăn đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, dòng tiền... Điểm tích cực là chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu nổi bật... nhờ phản ứng sớm và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch.
Trong năm 2022 có 4 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh chưa thể dự báo sẽ đi đến đâu dù thế giới đã có vắc-xin và thuốc đặc trị.
Thứ hai, đà hồi phục kinh tế của các khu vực trên thế giới không đồng đều; nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại.
Thứ ba, việc triển khai các gói hỗ trợ còn nhiều bất cập, trục trặc do chưa có tiền lệ; nhưng nếu thực hiện tốt, các gói đủ lớn, mạnh và diện hỗ trợ đủ rộng thì có thể giúp tăng trưởng kinh tế thêm 1-1,5 điểm % hoặc cao hơn.
Cuối cùng, việc bắt nhịp với các xu thế phát triển trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 như phát triển xanh, chuyển đổi số... đòi hỏi phải tính toán kỹ khi hiệu quả chưa thể thấy ngay trước mắt.
Cân nhắc giữa các mặt tốt và chưa tốt của các yếu tố trên, tôi nghiêng về triển vọng tích cực. Nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng Việt Nam năm tới trong khoảng 6%-6,5%. Sau không ít trắc trở, dù nền kinh tế đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn song Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi.
Để phục hồi kinh tế, chương trình phục hồi phải được thiết kế cụ thể cho từng nhóm giải pháp, bảo đảm tính khả thi để đem lại hiệu quả cao. Không phải chúng ta không có nguồn lực để hồi phục mà vấn đề là làm sao có một gói hỗ trợ một cách tường minh, tránh những sai lệch kỹ thuật dẫn đến dòng tiền không chảy vào sản xuất - kinh doanh mà sang những lĩnh vực đầu cơ khác như bất động sản, chứng khoán. Nếu xây dựng được chương trình hồi phục kinh tế một cách rõ ràng, dễ thực thi, chặt chẽ... thì chắc chắn ngân hàng sẽ dám vào cuộc, nền kinh tế được bổ sung một nguồn lực khổng lồ để tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Quốc hội phải đồng hành, tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý để doanh nghiệp, nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Nhà đầu tư FDI có thể đến với chúng ta bởi sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam song họ không thể ở lại đến 3 năm chỉ để hoàn thiện các vấn đề pháp lý. Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt cải thiện, cải cách thể chế; khống chế dịch tốt để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát và nợ công trong tầm kiểm soát...
Tóm lại, các cấp từ trung ương đến bộ - ngành, địa phương phải có sự đột phá về tư duy, thể chế để có thể đưa ra những quyết định chưa từng có tiền lệ nhưng đáp ứng được yêu cầu mới của thực tế. Khi đã thống nhất về mục tiêu, cần quyết liệt thực hiện và thực hiện nhanh để không bỏ lỡ cơ hội.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Gói hỗ trợ phải có tác động lan tỏa
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có rất nhiều vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hồi phục. Vấn đề lớn nhất là kiểm soát dịch Covid-19 song song với phục hồi sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh chủng mới Omicron xuất hiện với số ca mắc mới trên thế giới ngày càng tăng.
Cần thiết phải có gói hỗ trợ đủ quy mô, đúng địa chỉ mới có hiệu quả và tác dụng thực cũng như có tính lan tỏa. Các gói hỗ trợ phải bảo đảm tập trung cho những mục tiêu y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Về cách tiếp cận, các gói hỗ trợ phải chú trọng cả cung và cầu. Trong đó, các giải pháp về cầu có tính ngắn hạn hơn và tác động sớm hơn đến phục hồi tăng trưởng. Các giải pháp về cung cần chú ý đến việc củng cố các động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn và giúp tăng trưởng bền vững hơn thông qua chương trình phục hồi số, phục hồi xanh, cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng...
Mặc dù dư địa vẫn còn nhưng cần chú ý đến quản lý rủi ro nợ xấu, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Chẳng hạn, việc vay, huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ sắp tới phải ở mức độ hợp lý (khoảng 6%-8% GDP). Đồng thời, chú trọng cải thiện và hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực hấp thụ vốn.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Cấp bách tăng tổng cầu
Một trong những vấn đề bộc lộ từ trong dịch Covid-19 là tổng cầu suy giảm, chủ yếu giảm tổng cầu trong nước do nhiều người dân giảm thu nhập, mất việc làm, phải sống bằng tiền hỗ trợ hoặc tiền tiết kiệm trong nhiều năm. Ngoài ra, cả đầu tư tư nhân, nhà nước và đầu tư nước ngoài đều giảm, chỉ còn bằng 1/3 so với thời kỳ trước đại dịch. Lần đầu tiên số DN thành lập thấp hơn số rút khỏi thị trường, chưa kể số bị ảnh hưởng bởi tạm ngừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động, thiếu đơn hàng. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng.
Khả năng phục hồi kinh tế phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát được dịch thì phục hồi mới bền vững, không trồi sụt. Đặc biệt, với Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng là cực kỳ quan trọng bởi có tăng trưởng cao thì mới điều chỉnh, hướng tới tăng trưởng có chất lượng, tăng trưởng xanh...
Đáng lưu ý là đến nay, kế hoạch ngân sách năm 2022 thông qua gần như không nhắc gì đến yếu tố đại dịch. Như vậy, nền kinh tế sẽ hồi phục một cách tự nhiên. Trên thế giới, không nước nào lựa chọn cách này. Trong khi đó, khả năng hồi phục nguồn cung của Việt Nam còn kém, thị trường chưa phát triển, khả năng điều chỉnh, phân bổ nguồn lực hợp lý còn hạn chế, độ trễ của chính sách rất lớn... Với tăng trưởng 2% trong năm nay và dự báo 5% trong năm sau, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 6% thì áp lực những năm sau là rất lớn.
Nhiệm vụ trong năm 2022 là phải tăng tổng cầu. Để làm được, không có cách nào khác ngoài việc xây dựng một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo dài 5 năm và bổ sung trong 5 năm tiếp theo tùy theo diễn biến thực tế.
Đại biểu Quốc hội - Luật sư Trương Trọng Nghĩa:
Chăm lo an sinh xã hội
Việc quan trọng nhất trong năm 2022 là phải tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, cần lưu ý tuyên truyền người dân, DN không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP HCM có xu hướng lắng xuống như hiện nay.
Bên cạnh các biện pháp chống dịch căn cơ, TP HCM cùng cả nước phải có chiến lược mở cửa lại thị trường, nền kinh tế trên cơ sở các điều kiện bình thường mới, cơ sở khoa học - công nghệ... với những tính toán đầy đủ, có căn cứ. Chiến lược phải mang tính dài hạn, dự báo; không thể áp dụng giải pháp tình thế, ngắn hạn trong việc mở cửa chỉ vì sức ép của cuộc sống hay vì đòi hỏi sớm hồi phục kinh tế.
Dưới góc độ kinh tế, nhà nước và địa phương cần hỗ trợ DN đủ để họ hồi sinh, phát triển, góp phần khôi phục nền kinh tế nói chung. Trong chính sách an sinh xã hội, cần đặc biệt quan tâm đến người lao động ở các công ty, xí nghiệp. Nếu chỉ quan tâm thiết kế chính sách hỗ trợ cho DN mà không quan tâm đến người lao động thì thực chất, DN cũng vẫn chưa được hỗ trợ toàn diện và tốt nhất, sẽ rất khó khăn để trở lại thị trường.
Nhìn sơ lược, TP HCM sau những tổn thất rất nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã hồi phục tương đối tốt. Nếu tiếp tục làm tốt như hiện nay, khả năng khôi phục kinh tế của TP HCM sẽ tương đối lạc quan. Tất nhiên, để làm được, đòi hỏi bộ máy chính quyền không được nghỉ ngơi, không được chủ quan với dịch bệnh cũng như với những nguy cơ rủi ro khác.
Thùy Dương ghi
Bình luận (0)