Những ngày cuối tháng 8, vượt khoảng 130 km từ Hà Nội, chúng tôi về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; gặp lại những chứng nhân lịch sử, được nghe và cảm nhận một phần về mùa thu lịch sử trên quê hương cách mạng, về "thủ đô" khu giải phóng…
Được "ông Ké" giao nhiệm vụ
Bất ngờ vì không được hẹn trước, ông Hoàng Ngọc bỏ dở công việc đan lát dưới nhà sàn, vồn vã lên pha trà đãi khách. Chúng tôi cố hình dung hình ảnh cụ ông 86 tuổi bên cạnh với cậu bé người Tày 78 năm trước, khi còn là đội viên Đội Nhi đồng cứu quốc và từng được Bác Hồ giao nhiệm vụ.
"Mình bắt đầu câu chuyện từ năm 1945 nhỉ" - ông Ngọc niềm nở. Theo ông, chiều 21-5-1945, người dân thôn Cả, xã Kim Long (nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào) nhộn nhịp hẳn khi đón những vị khách lạ - đoàn cán bộ cách mạng trở về từ Pác Bó, Cao Bằng.
"Trong đoàn có một ông cụ, dáng người hơi gầy nhưng nhanh nhẹn, nước da rám nắng, chòm râu thưa đen nhánh và đôi mắt sáng như sao. Người dân không ai biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ trong đoàn gọi Bác là "đồng chí già", còn dân làng gọi Người là "ông Ké". Khi ấy, tôi mới là cậu bé 8 tuổi" - ông Ngọc nhớ lại.
Đoàn cán bộ khoảng 6-7 người, chia nhau ở nhà dân. Ngôi nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã Kim Long, được đón Bác đến ở; còn nhà cụ Hoàng Trung Nguyên, bố ông Ngọc, là nơi Người làm việc. Cùng làm việc với Bác ở nhà cụ Nguyên là các vị Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái... Cụ Nguyên còn được chọn làm "liên lạc đặc biệt" của Bác.
Ông Ngọc xúc động: "Bác rất gần gũi, hiền từ và rất quan tâm trẻ em. Có lần, thấy chúng tôi chơi dưới gầm nhà sàn, Người đến gần hỏi tên từng đứa rồi ôn tồn: "Các cháu có được đi học không?". "Dạ, không ạ, vì không có trường, không có thầy dạy". Bác căn dặn: "Thế thì mai kia có trường, có thầy, các cháu phải chăm ngoan và học cho tốt nhé!".
Lần khác, Bác trìu mến nói với cậu bé Ngọc: "Ông bảo cái này nhé, cháu có làm được không?". "Ông cứ giao, cháu làm được ạ". "Cu Ngọc tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc nhé". "Thưa ông, Đội Nhi đồng cứu quốc làm việc gì vậy ạ?". Người giải thích: "Là cu Ngọc đứng ra tập hợp 2-3 bạn chăn trâu, chăn bò, lên nương rẫy, khi thấy người lạ vào làng là phải thông báo ngay cho các chú bộ đội. Nhiệm vụ có thế thôi".
Sau đó, ông Ngọc tập hợp 3 bạn cùng tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình nhưng thực hiện nhiệm vụ ông Ké trực tiếp giao phó, 4 chúng tôi vinh dự, tự hào, hăng hái lắm" - ông kể.
Lúc đó, phong trào cách mạng ở Tân Trào đang sục sôi. Ông Ngọc tự hào: "Ông nội tôi tham gia Đội Bạch đầu quân, bố tôi làm "liên lạc đặc biệt" của Bác, còn tôi tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc".
Một góc Làng Văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào
Một lòng theo Đảng, theo Bác
Sau khi về Kim Long, Bác Hồ chỉ thị thành lập khu giải phóng với Tân Trào là trung tâm. Ngày 13-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng họp tại "thủ đô" khu giải phóng Tân Trào, quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập.
23 giờ hôm đó, Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi, cả nước nhất loạt đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào. Đại hội đã quán triệt đường lối Hội nghị Toàn quốc của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ Lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh xuất quân. Đoàn quân rầm rập lên đường sang giải phóng Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 22-8-1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ rời Tân Trào về Hà Nội. Ngày 2-9-1945, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…
Ông Hoàng Ngọc cho biết trước khi gặp cách mạng, dân chúng địa phương bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột khổ sở; cơm không có ăn, áo không đủ mặc. "Cách mạng về, Bác Hồ đến tuyên truyền tư tưởng cách mạng, nói về độc lập, tự do… Từ đó, dân chúng tôi một lòng theo Đảng, theo Bác" - ông khẳng định.
Suốt 78 năm qua, ông Ngọc luôn tự hào, vinh dự vì được gặp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, được Người giao nhiệm vụ. Niềm tự hào đó là động lực, là ý chí, để người đảng viên đến ngày 7-11 tới đây sẽ tròn 60 năm tuổi Đảng luôn gương mẫu, đi đầu trong học tập, chiến đấu, lao động.
Năm 1958, ông Ngọc xung phong đi bộ đội, thuộc biên chế Trung đoàn 246 - Quân khu Việt Bắc, rồi được cử đi học ở Học viện Hậu cần, về Sư đoàn 304 làm trợ lý quân nhu. Hơn 20 năm trong quân ngũ cũng như khi xuất ngũ trở về đời thường, ông luôn lấy "13 điều xử thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh" để rèn mình, dạy con cháu. Dù đã gần 90 tuổi, ông vẫn nhớ vanh vách những lời dạy của Bác.
Cả đời theo cách mạng, khi có dịp chuyện trò với con cháu và thế hệ trẻ, người đội viên Đội Nhi đồng cứu quốc cuối cùng ở Tân Trào còn sống vẫn luôn nhấn mạnh: Đồng bào các dân tộc ở Tân Trào luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. "Cho nên, mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều được dân chúng tuân theo. Ví dụ việc bảo vệ rừng, các khu rừng quanh đây vẫn giữ được nguyên sinh. Hay việc sinh đẻ có kế hoạch, gia đình nào cũng hầu như chỉ có 2 con" - ông dẫn chứng.
Ông Hoàng Ngọc kể lại chuyện 78 năm trước
Phát triển từng ngày
Tân Trào ngày càng thay da đổi thịt. Đứng trên tầng 2 trụ sở UBND xã Tân Trào, chúng tôi phóng mắt về phía cầu Trắng bắc ngang sông Phó Đáy. Hình ảnh quần thể Flamingo Tân Trào rộng 25 ha ôm trọn hai bên bờ sông hiện lên nổi bật. Khu du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ 5 sao này đang dần hình thành, dự kiến năm 2025 đưa vào hoạt động.
Đến Tân Trào, nhiều du khách không thể không ghé thăm Làng Văn hóa du lịch Tân Lập, nơi có gần 200 hộ dân tộc Tày sinh sống. Ông Hoàng Ngọc so sánh: "Trước kia, người dân làm nhà bằng gỗ nên hay bị mối mọt. Giờ đây, nhà nước hỗ trợ để dân làm nhà sàn kiên cố, khang trang bằng bê-tông cốt thép, có thể kinh doanh homestay. Ở Tân Lập, hầu như mọi người đều làm dịch vụ, du lịch và thu nhập khá hơn trước rất nhiều".
Chúng tôi gặp anh Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, khi trời đã tối vì trước đó, anh bận xuống thôn họp với dân làng. Người cán bộ trẻ này trưởng thành từ phong trào Đoàn, từng làm bí thư xã đoàn, trưởng công an xã...
Anh Soài cho biết Tân Trào được chọn là xã điểm đầu tiên xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng địa phương, đưa Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới vào năm 2014.
Hiện nay, kinh tế của Tân Trào tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại; đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Nếu năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ 16,8 triệu đồng/năm thì đến giữa năm 2023 đạt 52,8 triệu đồng. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Theo lãnh đạo địa phương, thời gian tới, Tân Trào tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu, từng bước trở thành khu du lịch quốc gia, góp phần đưa cái nôi cách mạng này đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2026-2030...
Trước khi chia tay Tân Trào, chúng tôi được cựu binh Hoàng Ngọc đọc tặng mấy câu thơ mà ông sáng tác trước đây, khi điện được kéo về thôn làng: Làng ta điện đã về rồi/ Ánh sáng của Đảng sáng ngời lòng dân/ Điện về thay ánh trăng ngần/ Sáng lòng, sáng mắt người dân Tân Trào.
Chị Lò Thị Tâm hướng dẫn du khách tham qua Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào
Tự hào
Gặp chị Lò Thị Tâm, hướng dẫn viên tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, chúng tôi được biết sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, chị về công tác tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang rồi làm hướng dẫn viên 8 năm nay.
"Tôi rất tự hào khi hằng ngày tuyên truyền, giới thiệu với du khách về nơi Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng từng hoạt động, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành chính quyền, giành độc lập. Tôi luôn tự nhủ mình cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để phục vụ công việc một cách tốt nhất" - chị Tâm bày tỏ.
Bình luận (0)