Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, ngoài những điểm giữ xe hằng ngày, những ngày Tết Canh Tý 2020, tại khu trung tâm TP HCM sẽ được tăng cường hàng loạt điểm để người dân gửi xe đúng giá tham quan đường hoa, đường sách và Hội Hoa Xuân.
Nhiều chọn lựa khi gửi xe ở khu trung tâm
Theo đó, xung quanh đường Nguyễn Huệ và đường sách trục Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, từ nay đến ngày 30-1 (mùng 6 tháng giêng), sẽ có 6 điểm giữ xe ngoài trời được tăng cường để phục vụ nhu cầu người dân tham quan, vui chơi. Danh mục cụ thể gồm: vỉa hè đường Pasteur (tiếp giáp tường rào chùa Ấn Giáo); vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (tiếp giáp tường rào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng); vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi (tiếp giáp tường rào nhà số 2 Hàm Nghi); vỉa hè đường Hải Triều và Hàm Nghi (trước số 30-32 Hàm Nghi); vỉa hè công trình xây dựng khách sạn Majestic đường Nguyễn Huệ (từ đường Tôn Đức Thắng đến tòa nhà Vinatex) và vỉa hè đường Pasteur - Lý Tự Trọng, tiếp giáp Bảo tàng TP. Các điểm giữ xe này hoạt động từ 7 giờ đến 24 giờ hằng ngày, với mức giá xe đạp 2.000 đồng/lượt; xe máy 6.000 đồng (trước 18 giờ), sau 18 giờ là 9.000 đồng/lượt.
Tại Công viên Tao Đàn, Sở GTVT cũng thông tin từ nay đến ngày 30-1, khu vực lề đường Nguyễn Thị Minh Khai - đoạn từ đường Trương Định đến số nhà 57; lề đường Nguyễn Thị Minh Khai từ đường Huyền Trân Công Chúa đến Trương Định, từ số nhà 57 đến Cách Mạng Tháng Tám và trong Công viên Tao Đàn - được tổ chức làm bãi giữ xe tăng cường. Tại khu vực này hiện đang có 7 điểm gửi xe tổ chức hằng ngày, gồm các cổng phía đường Cách Mạng Tháng Tám, Huyền Trân Công Chúa, Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai; kế đến là 1 điểm giữ xe tại Nhà Thi đấu Nguyễn Duy, Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1, Cung Văn hóa Lao động và khuôn viên sân khấu Trống Đồng.
Trong khuôn viên sân khấu Trống Đồng sẽ là một trong những điểm gửi xe đúng giá ngày Tết
Ngoài những điểm giữ xe ngoài trời như trên, Sở GTVT TP HCM còn gợi ý hơn chục tòa nhà có hầm giữ xe máy và ôtô trong bán kính 500 m từ đường Nguyễn Huệ gồm: tòa nhà Kumho (39 Lê Duẩn), Trung tâm Thương mại (TTTM) Vincom (70 Lê Thánh Tôn), TTTM Eden, tòa nhà Times Square (22-36 Nguyễn Huệ, 57-69 Đồng Khởi).
Kế đến là tòa nhà Vietcombank (số 5 Công trường Mê Linh); tòa nhà Bitexco (45 Ngô Đức Kế); tòa nhà Le Meridien Saigon (3C Tôn Đức Thắng); tòa nhà Saigon Center; Takashiyama (65 Lê Lợi); tòa nhà Techcombank (1-1A-2 Tôn Đức Thắng); tòa nhà Tổng Công ty Điện lực TP HCM (Green Power, 35 Tôn Đức Thắng); tòa nhà TNR Tower (180-182 Nguyễn Công Trứ); tòa nhà Sunwah (115 Nguyễn Huệ).
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, các đơn vị phải thực hiện phương án bố trí bãi giữ xe bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông, bố trí rào chắn, công khai giá giữ xe, số điện thoại đường dây nóng...
Đường thông, xe buýt thoải mái đến khu vui chơi
Theo Sở GTVT TP HCM, để tạo điều kiện cho sinh hoạt, kinh doanh và vui chơi trong dịp Tết, hiện toàn bộ các công trình đào đường trên địa bàn TP đã được yêu cầu tạm ngưng đến hết ngày 1-2 (mùng 8 tháng giêng). Sở GTVT hiện cũng đã yêu cầu chủ đầu tư tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc dọn vệ sinh công trường.
Trong khi đó, theo Sở GTVT, hiện có 45 đoạn đường, tuyến đường được phép tồn tại các rào chắn những ngày Tết. Đó đều là những khu vực thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Theo đó, quận 8 là địa phương có nhiều "lô cốt" được tồn tại nhất, với 14 vị trí và đường Phạm Thế Hiển chiếm đến 11 vị trí. Còn lại, 3 "lô cốt" khác nằm trên đường Ba Đình, Đình An Tài và Phú Định. Khu vực nhiều "lô cốt" thứ 2 là quận 4 với 5 vị trí, trên 3 tuyến đường Bến Vân Đồn, Tôn Thất Thuyết và Trương Đình Hợi.
Xe buýt sẽ tăng hơn 200 chuyến ở những tuyến có nhu cầu cao ngày Tết
Tất cả vị trí có rào chắn trên, theo ghi nhận, đều thuộc các dự án lớn như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2, dự án mở rộng Quốc lộ 1 và mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án cải thiện môi trường nước TP HCM (giai đoạn 2)... Theo Sở GTVT, chủ đầu tư các dự án nêu trên đã được yêu cầu thực hiện nghiêm phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông, thu gọn hàng rào công trường theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân dịp Tết...
Trong khi đó, theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng - Sở GTVT, trong thời gian phục vụ Tết, dự kiến sẽ giảm hơn 80.000 chuyến trên 97 tuyến xe buýt có trợ giá, 13 tuyến không trợ giá do các tuyến này vào những ngày Tết ít có nhu cầu đi lại. Trong khi đối với những tuyến có nhu cầu cao, đơn vị trên tổ chức tăng 216 chuyến và trường hợp lượng hành khách tăng cao, các doanh nghiệp xe buýt cũng đã được yêu cầu điều động phương tiện ngay để giải tỏa hành khách. Ngoài ra, trung tâm cũng chuẩn bị kế hoạch tăng cường xe buýt giải tỏa khách tại các bến xe liên tỉnh vào những ngày cao điểm, với khoảng 20 xe cho Bến xe Miền Đông, 10 xe cho Bến xe Miền Tây.
Bảo đảm an toàn khi xem pháo hoa
TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong 15 phút (từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút) tại 7 điểm vào thời khắc giao thừa để chào mừng năm mới Canh Tý 2020. Trong đó, 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao là khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2), tòa nhà Landmark và khu vực Công viên Vinhomes thuộc khu đô thị Vinhomes Center Park (phường 22, quận Bình Thạnh). Năm điểm bắn tầm thấp gồm: Công viên Văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11), khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (phường Long Bình, quận 9), khu Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), sân bóng đá Cần Giờ, huyện Cần Giờ và Trung tâm Hành chính huyện Nhà Bè (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè).
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, an ninh trật tự, an toàn giao thông, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân xem pháo hoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã yêu cầu lãnh đạo các sở - ngành, chủ tịch UBND quận - huyện và các đơn vị liên quan có kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện chương trình tổ chức bắn pháo. Trong đó, Bộ Tư lệnh TP là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở - ngành và các quận - huyện liên quan làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức bắn pháo hoa tại các địa điểm và thời gian nêu trên; chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp với các lực lượng liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình vận chuyển đạn pháo hoa, tại các địa điểm bắn pháo hoa và các khu vực nhân dân tập trung xem pháo hoa. Công an TP tăng cường lực lượng chốt các giao lộ trên tuyến đường vận chuyển đạn pháo hoa và tại các địa điểm bắn pháo hoa; đồng thời, triển khai phương tiện xe chữa cháy tham gia trong quá trình vận chuyển đạn pháo hoa.
Công an TP và Sở GTVT phối hợp tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực nhân dân tập trung xem pháo hoa; giải tỏa việc neo đậu và tạm dừng mọi hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy tại khu vực xung quanh hướng lên đường hầm sông Sài Gòn từ 23 giờ 30 phút ngày 24-1-2020 (nhằm 30 tháng chạp) đến 0 giờ 30 phút ngày 25-1-2020 (mùng 1 Tết). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tổ chức tuần tra trên sông xung quanh hướng lên đường hầm sông Sài Gòn trong thời gian trên. Phan Anh
Xử nghiêm "chặt chém"
Theo Sở GTVT TP HCM, các thông tin về sự cố hạ tầng, an toàn giao thông, bãi giữ xe "chặt chém"..., người dân có thể gọi vào số điện thoại đường dây nóng để phản ánh để cơ quan chức năng xử lý.
Theo đó, số điện thoại tiếp nhận các thông tin về sự cố hạ tầng, an toàn giao thông là đầu số: 0388.247.247, do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn là đầu mối tiếp nhận (có thể gọi số điện thoại trên qua Zalo, Viber, tin nhắn SMS). Ngoài ra, người dân cũng có thể gọi vào số đường dây nóng khác là tổng đài 1022 (tiếp nhận thông tin phản ánh về sự cố hạ tầng, dịch vụ công) hoặc 028.0830.0701 (do Thanh tra Sở GTVT tiếp nhận) và 0913.880.906 (do thanh tra viên Đội Tham mưu - Tổng hợp tiếp nhận). Riêng tại khu vực bố trí các bãi giữ xe phục vụ ngày Tết, ngoài những số điện thoại trên, người dân cũng có thể phản ánh với chính quyền địa phương qua các số điện thoại của UBND quận 1 là (028) 3827 9446 và quận 3 là (028) 3932 6868.
Bình luận (0)