Tuyên bố nói trên đặt ra một chương trình nghị sự gồm 2 hướng: xác định các rủi ro chung và củng cố hiểu biết khoa học về chúng, đồng thời xây dựng những chính sách xuyên quốc gia về giảm thiểu các rủi ro này. Các quốc gia cam kết nỗ lực hướng tới "thỏa thuận và trách nhiệm chung" về rủi ro AI và tổ chức một loạt cuộc họp tiếp theo. Hàn Quốc sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao trực tuyến về AI trong vòng 6 tháng tới, theo sau là hội nghị trực tiếp tại Pháp vào năm tới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Wu Zhaohui phát biểu tại Hội nghị cấp cao về an toàn AI ở Anh hôm 1-11 Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ông Wu Zhaohui, cho rằng công nghệ AI không chắc chắn, không thể giải thích và thiếu minh bạch, mang lại rủi ro và thách thức về đạo đức, an toàn, quyền riêng tư và công bằng, với sự phức tạp ngày càng gia tăng. "Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để chia sẻ kiến thức và cung cấp công nghệ AI cho công chúng theo các điều khoản nguồn mở" - ông Wu nói.
Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh một số giám đốc điều hành công nghệ và các nhà lãnh đạo chính trị cảnh báo sự phát triển nhanh chóng của AI gây ra mối đe dọa hiện hữu cho thế giới nếu không được kiểm soát. Những lo ngại về rủi ro tiềm tàng của AI bùng phát từ tháng 11-2022 khi Công ty Khởi nghiệp Open AI (Mỹ) ra mắt công cụ ChatGPT. Việc sử dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra cuộc đối thoại giống con người làm dấy lên nỗi lo rằng máy móc có thể đạt được trí tuệ cao hơn con người theo thời gian, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Bình luận (0)