Ngày 31-7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP HCM đã có buổi làm việc để lấy ý kiến Ban Kinh tế trung ương về đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030" để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Trước buổi làm việc này, Thành ủy, UBND TP HCM đã họp lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các bộ - ngành trung ương.
Đề xuất không chỉ cho riêng mình
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP là một nội dung thuộc Nghị quyết (NQ) 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay TP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, ảnh hưởng đến việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong trường hợp TP suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước. "TP HCM luôn xác định các đột phá để phát triển trên cơ sở bám sát các đột phá của Đảng về thể chế, nhân lực, hạ tầng. TP không phải chỉ dựa vào nguồn điều tiết ngân sách để phát triển, mà là đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả tiền vốn, phát triển nguồn lực nhân lực, doanh nghiệp chủ lực, đất đai, chính sách, hoạch định chính sách…" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Về cơ sở pháp lý của việc đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, Bí thư Thành ủy TP HCM nói điều 74 của Luật Ngân sách nhà nước quy định rõ: Căn cứ vào quy định của luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP HCM, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. "Chính vì vậy, các đề xuất của TP HCM không vướng mắc về căn cứ pháp lý" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM tiếp tục khẳng định tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM nhưng tổng nộp về ngân sách trung ương sẽ tăng thêm chứ không phải giảm đi. "Nếu so với phương án cũ với tỉ lệ giữ lại là 18%, khi tăng lên mà năm đầu tiên ngân sách trung ương bị hụt hơn thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm bù vào" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Đồng tình và đánh giá cao
Trình bày đề án, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết tổ soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của Ban Kinh tế trung ương tại cuộc làm việc trước đó để xây dựng đề án. Theo ông, mục tiêu xây dựng đề án là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ theo chuẩn quốc tế, hạ tầng thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ,… Qua đó, góp phần giải quyết các thách thức mà TP HCM đang đối mặt. "Việc xác định tỉ lệ điều tiết cho ngân sách của TP HCM đã được tính toán, nghiên cứu kỹ khi xây dựng đề án. Cuối cùng, ban soạn thảo đã lựa chọn phương án tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP giai đoạn 2022-2025 là 23%; giai đoạn 2026-2030 là 26%" - ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương (bên trái) và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, cầu thị của TP HCM trong quá trình xây dựng đề án. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh việc xây dựng đề án là có đầy đủ căn cứ pháp lý, chính trị, cơ sở thực tiễn rõ ràng. "Đề án lần này đã cải thiện hơn rất nhiều so với cuộc làm việc trước đó trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ban Kinh tế trung ương của các cuộc họp lần trước" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá. Theo ông, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết bởi nó triển khai một nhiệm vụ rất cụ thể theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về việc xem xét tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương, ngoài ra Quốc hội cũng đã ban hành NQ 54 về vấn đề này.
"Đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 23% của giai đoạn 2022-2025 như phân tích trong đề án đã cho thấy những tác động tích cực. Tăng tỉ lệ điều tiết sẽ đem lại lợi ích cho cả ngân sách trung ương và sự phát triển TP cũng như cả nước trong dài hạn. Hơn nữa, không làm giảm nguồn thu ngân sách điều tiết về trung ương" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói và nhấn mạnh cơ bản thống nhất với đề xuất của TP.
Đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách giữ lại cho TP HCM là hợp lý và đem lại hiệu quả cao. Bởi dù tăng tỉ lệ giữ lại cho TP đồng nghĩa với tỉ lệ ngân sách nộp về nhà nước thấp hơn nhưng giá trị đóng góp lại tăng do tổng nguồn thu phát sinh chắc chắn tăng nhờ đồng vốn mồi ban đầu.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho rằng phương án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 lên 23% là khả thi. "Việc tăng tỉ lệ điều tiết sẽ giúp TP cơ cấu lại kinh tế, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tạo động lực cho TP phát triển, kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, lan tỏa sự phát triển kinh tế cho cả nước" - ông Nguyễn Văn Bình phân tích.
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa lưu ý việc xây dựng đề án phải bảo đảm hài hòa lợi ích của TP HCM và cả nước; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; bảo đảm có đủ nguồn lực để xử lý các thách thức và phát triển TP HCM văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tàu kinh tế của cả nước; bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững của ngân sách nhà nước, tạo động lực cho TP phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng TP HCM cần bổ sung, đưa vào đề án kế hoạch sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2022-2030 sẽ tập trung vào ngành, lĩnh vực, công trình, dự án trọng điểm nào cho việc đầu tư phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị TP HCM làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất những vấn đề khi điều chỉnh tăng tỉ lệ ngân sách cho TP thì tổng thể ngân sách trung ương sẽ như thế nào, phương án bù đắp ra sao. Từ đây, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị tổ soạn thảo đề án cần bám sát thực tiễn của TP, đưa vào đề án những vấn đề đang sát sườn tại TP trong những năm qua. Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho hay Ban Kinh tế trung ương cũng đang xây dựng một đề án tổng thể về ngân sách quốc gia, trong đó có các nội dung quan trọng về phân cấp, phân bổ và thu chi ngân sách.
Nêu quan điểm về đề án, ông Bùi Văn Thạch, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho rằng đề án cần bổ sung ý kiến của các bên như Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để tham chiếu trong quá trình xem xét. Về thời gian trình đề án, ông Bùi Văn Thạch đề nghị TP HCM trình trước thời điểm 15-8-2020 để bảo đảm tiến độ và các công việc liên quan.
Nhiều dự án đầu tư chờ vốn
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trở lại cho TP là cách để thực hiện tốt mục tiêu kép là tạo thêm nguồn lực cho TP phát triển bền vững, tăng nguồn thu cho TP, từ đó tăng đóng góp của TP đối với ngân sách trung ương.
"Việc đề xuất tăng tỉ lệ giữ lại ngân sách cho TP từ giai đoạn 2022 trở đi là cấp thiết bởi nhu cầu đầu tư vào các dự án hạ tầng đang rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường - những lĩnh vực tạo sự lan tỏa lớn và có ý nghĩa phục vụ người dân. TP hiện có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên, có ý nghĩa tạo động lực mạnh cho phát triển hạ tầng nhưng nguồn lực còn hạn chế, dự án nằm chờ vốn" - ông Trần Anh Tuấn nói và cho rằng việc bổ sung vốn sẽ góp phần tháo được điểm nghẽn của nhiều dự án.
P.Nhung
Bình luận (0)