Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, với mức phạt tăng gấp nhiều lần.
Răn đe người vi phạm
Lý do để sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP, theo Bộ GTVT là trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập, chưa phù hợp thực tiễn; mức phạt cần điều chỉnh cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua môtô, xe máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (hiện nay là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ôtô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng). Đáng chú ý, hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị tăng rất nặng, có thể gấp đến 10 lần so với hiện nay…
Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với chủ xe và tài xế có hành vi chở hàng quá tải. Thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (10%-20%, 20%-50%, 50%-100%, 100%-150% và trên 150%) thì dự thảo nghị định mới chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: 10%-20%; 20%-50%; trên 50%. Với mức xử phạt như dự thảo, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân thì mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết xe chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, do đó cần xử phạt nặng để ngăn ngừa người vi phạm, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện lưu thông tại Hà Nội
Giải pháp căn cơ
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, việc tăng mức xử phạt đua xe trái phép để tăng cường răn đe, bảo đảm an toàn trật tự ATGT, an ninh trật tự bởi thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng ôtô, môtô, xe máy, xe máy điện để đua xe trái phép gây mất ATGT, an ninh trật tự. Còn việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi che biển số xe để tăng cường xử lý các trường hợp cố tình gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính thông qua camera.
Đối với tăng mức xử phạt với các hành vi không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe hết hạn, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết để ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe, chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước giấy phép lái xe. Thực tế một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe dài, do đó một số trường hợp người vi phạm cố tình trốn tránh.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết hành vi chở quá tải dù bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng nhiều lái xe vẫn tái phạm vì mức phạt chưa làm họ e ngại. Ngoài ra, hành vi trực tiếp chở quá tải cũng có thể được hiểu là đồng nghĩa với phá hoại hạ tầng giao thông của quốc gia. "Việc các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất mức phạt tăng nặng đối với hành vi chở quá tải là cần thiết" - ông Liên nhận định.
Quy định trách nhiệm liên đới
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng chế tài mạnh là cần thiết, song chưa đủ. Ông Thủy nêu vấn đề: "Vì sao xe quá tải vẫn nhức nhối trong những năm qua bất chấp nhiều giải pháp được đưa ra?".
Do đó, ông Thủy đề nghị ngoài tăng chế tài đủ mạnh thì phải quy trách nhiệm lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này. Lực lượng chức năng không được bỏ lọt, bỏ sót vi phạm; còn chính quyền địa phương phải quản lý, giám sát doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện vận tải ngay từ địa phương mình. "Cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu làm được như thế, vi phạm tải trọng xe chắc chắn sẽ giảm" - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT - Cục CSGT:
Ngăn tình trạng đua xe trái phép
Những vụ đua xe trái phép gây ra hậu quả nghiệm trọng cho chính người đua và người tham gia giao thông. Hành vi của quái xế còn gián tiếp gây nên gánh nặng cho những người thân trong gia đình của những người gặp nạn. Thậm chí có những trường hợp quái xế sẵn sàng lao xe vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ nếu như bị chốt chặn, thể hiện tính côn đồ và thái độ thách thức pháp luật, thách thức các cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ.
Những hành vi của các đối tượng này nguy hiểm, thậm chí có trường hợp chặn đường để tổ chức đua xe. Lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường, ngăn chặn đua xe trái phép nhìn nhận thấy hành vi đó phức tạp, nghiêm trọng nên cần có những mức phạt tương xứng để ngăn chặn kịp thời.
Ông Hoàng Tích, Giám đốc tài chính một bệnh viện tư tại TP HCM:
Sử dụng hợp lý nguồn tiền phạt
Trước đây, nguồn tiền thu được qua xử phạt vi phạm giao thông được trích lại tỉ lệ rất lớn cho các lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Đến năm 2013, Thông tư 153 quy định tiền này phải nộp vào ngân sách nhà nước. Các cơ quan chức năng khẳng định tiền này được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Số tiền này rất lớn nên cần công bố rõ ràng chi các khoản nào, cho lực lượng nào và các khoản chi này có giúp cải thiện tình hình giao thông hay không?
Đây là tiền xử phạt vi phạm giao thông nên tốt nhất vẫn là chi cho các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông, giảm gánh nặng cho người dân thông qua các hoạt động hỗ trợ liên quan đến giao thông. Mặt khác, hậu quả của tai nạn giao thông rất lớn, đẩy nhiều gia đình nạn nhân vào nghịch cảnh. Nên chăng số tiền này cần được trích cho các hoạt động tương trợ hoặc lập quỹ để giảm tác động đến các gia đình có ngươi gặp nạn. Dù sao thì hậu quả tai nạn giao thông tác động đến từng gia đình cũng sẽ gián tiếp tác động đến xã hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Việc tăng nặng mức phạt là cần thiết
Việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi gây ra hậu quả, nguy hiểm cho xã hội là rất cần thiết bởi nếu không xử lý nghiêm thì nhiều người sẽ lặp lại việc vi phạm, gây bức xúc trong xã hội.
Tôi lấy ví dụ như việc lái xe dùng biển số giả nhưng quy định hiện nay chỉ phạt từ 1-2 triệu đồng. Nhưng nếu như dự thảo này đi vào cuộc sống, mức phạt tăng nặng lên 10 lần, tức là phạt khoảng 10-12 triệu đồng thì lại là câu chuyện khác. Khi đó, mức phạt đánh vào túi tiền nên họ phải sợ, phải đắn đo suy nghĩ. Ngoài ra, xử phạt tăng nặng lỗi vi phạm này cũng hạn chế được việc lái xe dùng biển số giả để chở khách quá tải, chạy quá tốc độ.
Ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Thời điểm không phù hợp
Hiện người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 mà đặt vấn đề nâng mức xử phạt thì riêng chỉ bàn đến thời điểm đã thấy không phù hợp.
Tôi thấy trong thời gian vừa qua, đưa ra sửa đi, sửa lại nghị định về xử phạt giao thông đường bộ nhiều lần. Một nghị định đưa vào cuộc sống, tối thiểu cũng phải được 3 năm đến 5 năm, sơ kết, tổng kết, đánh giá rồi mới sửa.
Bình luận (0)