Đề cập đến giải pháp giải quyết căn bản ùn tắc cho Hà Nội và TP HCM, TS Nguyễn Đức Thắng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững quốc gia (Bộ kế hoạch và Đầu tư), cho biết dù ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng nhưng tăng trưởng hằng năm của nhu cầu đi lại luôn cao hơn tăng trưởng của cơ sở hạ tầng giao thông. Chênh lệch giữa nhu cầu luôn lớn hơn đáp ứng đã tích tụ lại sau 25 năm (từ 1990 - 2015). Gần 10 triệu xe máy và ôtô cá nhân ở TP HCM và gần 7 triệu ở Hà Nội đang phủ kín, như nêm cả lòng đường và vỉa hè.
TS Nguyễn Đức Thắng chỉ ra 13 nghịch lý giao thông ở Việt Nam so với thế giới, trong đó có: phương tiện cá nhân áp đảo phương tiện công cộng (tỉ lệ 90/10), tỉ lệ vận tải công cộng không những không tăng mà đang giảm dần ở cả TP HCM và Hà Nội (năm 2014 khoảng 12%, năm 2015 là 10%, năm 2016 là 8%). Theo ông Thắng, ở các nước, xe buýt góp phần giải quyết ùn tắc giao thông nhưng ở Việt Nam xe buýt trở thành yếu tố gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, Hà Nội và TP HCM 2 năm qua không đưa thêm xe buýt vào lưu thông (ngoại trừ tuyến xe buýt nhanh BRT vì đã có kế hoạch và đã chi cả ngàn tỉ đồng). Mật độ các loại xe ở trên lòng đường và vỉa hè vào giờ cao điểm dày đặc đến mức không thể cùng lúc tăng thêm đầu xe buýt và ôtô, xe máy cá nhân.
TS Nguyễn Đức Thắng cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư phát triển hệ thống xe buýt văn minh, hiện đại phủ kín khắp nội, ngoại thành để đáp ứng 75% nhu cầu đi lại hằng ngày, đồng thời cắt giảm lượng phương tiện cá nhân xuống còn 25% để giảm ùn tắc giao thông.
Bình luận (0)