Ngày 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV, Chính phủ đã trình QH dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nâng thời hạn thị thực điện tử
Trình bày tờ trình, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định của luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam. Cụ thể, nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Nội dung sửa đổi đáng chú ý khác là đề xuất nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác. Quy định miễn thị thực hiện hành là 15 ngày. Tuy nhiên, du khách từ châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và có xu hướng chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia. Do đó, Chính phủ nhận thấy cần nghiên cứu nâng thời hạn tạm trú đối với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách, nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) tham gia thảo luận Ảnh: MINH PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết ủy ban này nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Điều này phù hợp thực tế khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc, du lịch… Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực. Theo ông Tới, cũng có ý kiến đề nghị nâng thời hạn lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.
Thảo luận tại tổ về nội dung trên, đại biểu (ĐB) Hà Phước Thắng (TP HCM) đề nghị Chính phủ cân nhắc để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút du khách quốc tế. "Tại sao chúng ta không lấy mức cao nhất ở trong khu vực mà lấy mức trung bình?" - ĐB Thắng đặt vấn đề. Ông đề nghị có thể xem xét, cân nhắc nâng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 60 hoặc 90 ngày. Đối với quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, ông Thắng đề nghị tăng từ 30 ngày lên 90 ngày thay vì dùng từ "3 tháng" để thống nhất khi triển khai.
Chính phủ cũng đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Về nội dung này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP HCM) bày tỏ tán thành và đề nghị Chính phủ cung cấp danh sách các nước, vùng lãnh thổ để trước khi thông qua luật thì có cơ sở báo cáo cử tri.
ĐB Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết cơ bản nhất trí về tờ trình đối với 2 dự án luật trên. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng thời điểm này mới làm là tương đối muộn so với yêu cầu đặt ra.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cũng cho rằng thay đổi chính sách về thị thực đến nay mới thực hiện là muộn. Từ năm 2022, Thái Lan đã có nhiều chính sách gia hạn thị thực, tạo điều kiện cho khách nhập cảnh bằng hình thức trực tuyến. Ông Hùng nhấn mạnh việc tháo gỡ thủ tục về thị thực là chìa khóa để du lịch Việt Nam cất cánh.
Giám sát việc phát triển nhà ở xã hội
Cùng ngày, QH cũng thảo luận về chương trình giám sát năm 2024.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã trình QH 4 chuyên đề để chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ QH giám sát.
Chuyên đề 1 là việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) từ năm 2015 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) tán thành đưa chuyên đề 4 vào chương trình giám sát tối cao. ĐB này đề nghị chương trình giám sát cần tập trung hơn về việc phát triển, quản lý NƠXH bởi quá trình triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. Nội dung giám sát cần làm rõ ai đang sinh sống trong NƠXH, tổ chức nào cung cấp NƠXH, NƠXH được trợ cấp và hỗ trợ thế nào...
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị QH chọn giám sát tối cao với chuyên đề 1. Ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu trình QH gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, gia đình có người thân mất trong đại dịch COVID-19... Với đề xuất này, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu để báo cáo tiếp thu, giải trình trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sắp tới.
Đề xuất tăng tuổi phục vụ của sĩ quan công an
Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Trong đó, Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của công an nhân dân (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, thượng tá tăng 3 tuổi, cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện nay. Sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam, 55 lên 60 tuổi với nữ.
Theo Chính phủ, đề xuất này nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật; mức tăng tương đương với tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động năm 2019. Nội dung này cũng bảo đảm thực tiễn chiến đấu, công tác; bảo đảm sự ổn định, tạo điều kiện trong quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trong ngành.
M.Chiến
Bình luận (0)