Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai các dự án khép kín tuyến đường Vành đai 2 cũng như quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ. Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 tại TP HCM dài hơn 64 km, quy mô từ 6 đến 10 làn xe nhưng hiện chưa thể khép kín bởi nhiều phân đoạn chưa được đầu tư xây dựng.
Gian nan với 11 km
Theo Sở GTVT TP, đường Vành đai 2 hiện đã đầu tư được khoảng 54 km với bề rộng trung bình 35 m, còn khoảng 11 km chưa được đầu tư xây dựng. Những khu vực chưa khép kín chia làm 4 đoạn khác nhau và hiện chỉ có đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (quận Thủ Đức) đang thi công, 3 đoạn còn lại đang kêu gọi đầu tư. Trong đó, gian nan nhất là đoạn từ ngã ba An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3 km. Khu vực này được đánh giá có chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn nên khó thu hút được nhà đầu tư (NĐT) tham gia.
Tại khu vực đường Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, việc thi công bị cắt đoạn do mặt bằng chưa liên thông
Đối với 2 đoạn còn lại, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, chiều dài khoảng 3,82 km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2 km, đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB..., dự kiến thi công vào năm 2020. Với 2 đoạn này, Sở GTVT cho biết đề xuất dự án đã được UNBD TP phê duyệt vào cuối năm 2016. Doanh nghiệp được giao lập dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở và được Sở GTVT thẩm định.
Cũng theo Sở GTVT, các phân đoạn của đường Vành đai 2 nêu trên được UBND TP đưa vào danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có các hình thức như BT, BOT... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đầu tư khép kín những phân đoạn này là việc xác lập phương án tài chính khả thi cho dự án. Việc đầu tư theo hình thức BOT phù hợp với tuyến đường làm mới nhưng trạm thu phí không được đặt quá gần với trạm thu phí khác và nguồn thu cũng phải phù hợp với chi phí đầu tư. Còn đầu tư theo hình thức BT thì cần đủ quỹ đất có giá trị phù hợp với chi phí đầu tư đường để thanh toán. Nhưng theo Sở GTVT, quỹ đất trên địa bàn TP hiện không có nhiều nên việc cân đối phương án tài chính của dự án là bài toán khó.
Mặt khác, Sở GTVT cũng cho biết UBND TP trước đó đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP (trong đó có hình thức BT) để triển khai thống nhất chung trên toàn địa bàn TP nhằm bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và hiệu quả. Do đó, theo Sở GTVT, khi có quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP, các dự án sẽ được nhanh chóng thực hiện.
Hoàn thành vào năm 2022-2023
Sở GTVT cho biết vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai các dự án khép kín đường Vành đai 2 và trong năm 2019 sẽ tập trung rà soát các thủ tục đầu tư liên quan đến những dự án theo hình thức PPP để nhanh chóng thực hiện.
Đối với một số khó khăn khác như việc bồi thường, GPMB, cũng đang được gấp rút triển khai. Sở GTVT đánh giá tình hình bồi thường, GPMB đối với dự án này còn nhiều khó khăn, dài hơn so với tiến độ dự kiến. Đơn cử như hiện nay, tại khu vực thi công đường Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, toàn bộ dự án có chiều dài 2,75 km nhưng việc thi công bị cắt đoạn do mặt bằng chưa liên thông. Tại nhiều khu vực, máy móc đã có sẵn nhưng vẫn phải "nằm chờ" vì chưa có mặt bằng. Tính đến khoảng tháng 3-2019, tổng khối lượng xây dựng của đoạn này đạt trên 40% và còn khó khăn là phía quận Thủ Đức chỉ mới bàn giao được khoảng 43% mặt bằng. Trước vấn đề này, theo Sở GTVT, năm 2019 sẽ nhanh chóng hoàn thành các công tác GPMB, hoàn tất các thủ tục thanh toán quỹ đất BT cho NĐT và đẩy tiến độ làm cầu, đường để hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1 vào cuối năm 2020.
Đối với 2 phân đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, Sở GTVT cho biết trước đó đã tham mưu và kiến nghị UBND TP bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và nội dung này đã được UBND TP chấp thuận. Riêng đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, thông tin mới nhất từ Sở GTVT TP cho biết TP chủ trương dùng ngân sách hơn 4.200 tỉ đồng để thực hiện bồi thường, GPMB; phía NĐT sẽ bỏ ra gần 1.860 tỉ đồng để làm đường, cầu. Với phương án trên, đoạn 5,3 km này có thể hoàn thành khép kín vào khoảng năm 2022-2023.
Càng chậm vốn càng tăng
Theo một số chuyên gia giao thông, dự án đường Vành đai 2 có vai trò quan trọng trong việc giảm tải áp lực giao thông và phát triển kinh tế - xã hội cho TP HCM bởi tuyến đường này giúp giảm một lượng lớn phương tiện đi xuyên tâm qua TP. Tại những khu vực đã hoàn thiện như đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng..., hiện đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc tạo ra sự liên thông, kết nối. Đường Vành đai 2 khi khép kín cùng việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 không chỉ kết nối giao thông với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội vùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đây là dự án cần nguồn vốn lớn nên cần nhanh chóng kêu gọi các NĐT lớn, có đủ tiềm lực vì càng để thời gian kéo dài thì vốn đầu tư sẽ càng tăng.
Bình luận (0)