Ngày 5-7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP, ngày 18-5-2023 của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định: Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đã và đang từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội...
Dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có. Các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm…
Nhận định về những cơ hội cũng như thách thức của ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng cùng với việc Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Nghị quyết số 82 là cơ hội lớn của ngành du lịch.
Người dân vui chơi, tắm biển ở bãi biển Vũng Tàu dịp lễ 30-4 và 1-5 năm 2023. Ảnh: NLĐO
Theo ông Bình, sau COVID-19, sở thích của khách du lịch thay đổi, kéo theo xu thế phát triển của du lịch cũng thay đổi. Do vậy, du lịch Việt Nam tập trung đẩy mạnh du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, du lịch sinh thái cộng đồng…, trong đó phát triển du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch thông minh là xu thế của du lịch toàn cầu.
"Các doanh nghiệp cần tập trung đổi mới, nâng cấp các sản phẩm cũ, chọn lựa và xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong giai đoạn mới. Các sản phẩm được xây dựng theo định hướng du lich xanh và bền vững. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu" - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Ông Phạm Hà, CEO của Lux Group, đánh giá Nghị quyết 82 đã "bắt đúng bệnh", thấy được các điểm tắc nghẽn của du lịch Việt và đưa ra những giải pháp đầy đủ, thuyết phục. Cửa vào Việt Nam đã mở nhưng để khách lại ở 45 ngày thì phải làm sao để họ vui hơn, có những trải nghiệm tốt hơn, kinh tế đêm phải phát triển hơn. Chúng ta có bao nhiêu là biển đảo nhưng du thuyền lại chưa phát triển, mới chỉ phát triển ven bờ.
"Cần phải làm mới những sản phẩm hiện tại và xây dựng mới những sản phẩm khác. Cũng cần định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam để đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế. Việc thiếu chiến lược về định vị thương hiệu du lịch quốc gia dẫn tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu tập trung, dàn trải, không có điểm nhấn và kém hiệu quả" - ông Phạm Hà nêu ý kiến.
Bình luận (0)