Hôm nay (11-5), Thành ủy TP HCM tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" (gọi tắt là cuộc vận động).
Biến bãi rác thành nơi vui chơi
Sau 6 tháng triển khai Chỉ thị 19, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn TP đã được cải thiện. Có 250 điểm đen về rác thải được xử lý dứt điểm. Hầu hết các tổ chức, hộ gia đình đều ký cam kết cùng chính quyền trong thực hiện thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường; giảm đáng kể việc vứt rác ra đường phố, kênh rạch và nơi công cộng; số lượng người dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng tăng.
Quá trình thực hiện cuộc vận động, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả ra đời. Quận 1 có "Đội xung kích thu gom rác của các hộ dân bỏ rác sai giờ quy định" (phường Tân Định), công trình cải tạo mảng tường trên tuyến đường Phan Liêm (phường Đa Kao). Quận Bình Thạnh có công trình xây rào chắn, lắp đặt camera tại cầu Hai Heo (phường 22), tạo mảng xanh tại điểm rác, biến chân cầu Bùi Hữu Nghĩa từ điểm tập kết rác trở thành vườn hoa (phường 2).
Trong khi đó ở quận 3, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội quận phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức hành trình giải cứu rác chết, chương trình "phân loại chất thải rắn tại nguồn" chủ đề "Một giây hành động - bảo vệ môi trường", định kỳ tổ chức ngày hội thu gom vỏ hộp sữa giấy tại các trường, đơn vị trên địa bàn quận để phân loại và tái chế. Tại phường 8 có mô hình "Hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phường". Phường 10 có chương trình "Cột điện nở hoa". Bên cạnh đó, quận còn tặng 200 thùng phân loại rác 0 đồng.
Đặc biệt, mô hình "Cải tạo bãi rác tự phát thành sân vui chơi cho thiếu nhi" của phường Long Trường, quận 9 mang lại hiệu quả tích cực. Hơn 1 tấn rác các loại ở bãi rác rộng hơn 600 m2 này được dọn sạch, thay vào đó là các bồn hoa làm từ vỏ xe, cây xanh, 10 thùng rác, 4 bộ máy tập thể dục, 8 bộ tiểu cảnh trò chơi phục vụ người dân và các em thiếu nhi vui chơi.
Ngoài ra, để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, hầu hết quận huyện đã dùng nhiều cách để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân: Số điện thoại đường dây nóng, hộp thư, qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook)…
Các điểm hẹn tập kết rác tại một số quận, huyện đã được lắp đặt camera để giám sát việc giao nhận rác, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt rác, đổ rác không đúng nơi quy định. Nhiều địa phương tổ chức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của nhân dân; vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về môi trường.
Cải tạo mảng tường trên tuyến đường Phan Liêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Vẫn còn là "cuộc chiến" lâu dài
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, liên tục; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ tập trung thực hiện trong thời gian diễn ra lễ phát động và sự chỉ đạo của cấp trên. Việc xử lý rác thải ra đường và kênh rạch, xử lý điểm đen về ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng vứt rác bừa bãi; phát, rải tờ rơi quảng cáo vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, tuyến đường,… Tình trạng ô nhiễm bụi, chất thải rơi vãi từ các phương tiện lưu thông trên đường phố (xe tải, xe buýt) vẫn tồn tại. Còn nhiều hộ dân đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…
Thời gian tới, để cuộc vận động có hiệu quả tích cực hơn, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền vận động người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Thường xuyên tổ chức các "Ngày chủ nhật xanh", "Ngày thứ bảy tình nguyện", "15 phút vì thành phố văn minh - sạch đẹp"... để tuyên truyền, vận động người dân tổng vệ sinh bảo vệ môi trường tại các tuyến đường, hẻm trên địa bàn.
Yêu cầu chính quyền các cấp ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch. Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh môi trường; kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường; các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch.
Nghiên cứu xây dựng chuỗi nhà vệ sinh công cộng. Xã hội hóa việc lắp đặt các thùng rác trên các tuyến đường chính, công viên. Vận động các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn,… cung cấp dịch vụ nhà vệ sinh miễn phí cho khách vãng lai.
Xử lý kịp thời các điểm ngập cục bộ và ngăn chặn không để phát sinh điểm mới. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chống ngập trên địa bàn, triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo, khai thông, hệ thống các kênh rạch.
Qua 6 tháng triển khai thực hiện cuộc vận động, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận 4.041 thông tin, phản ánh của nhân dân về vệ sinh môi trường và đã xử lý, giải quyết 4.021 vụ việc.
Mức phạt tăng nhưng vướng thủ tục
Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. So với quy định cũ, các mức phạt tại nghị định này tăng mạnh. Theo đó, hành vi bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Các hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP HCM, mức phạt mới đủ sức ngăn chặn những người thiếu ý thức nhưng việc triển khai vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, nghị định còn quy định với mức phạt từ 1 triệu đồng trở lên, địa phương phải chuyển hồ sơ đến thanh tra sở TN-MT hoặc Bộ TN-MT xử phạt theo thẩm quyền. Thực tế chỉ rõ thủ tục này quá phức tạp đối với cơ quan lập biên bản xử phạt và cá nhân bị phạt.
D.Lâm
Sử dụng công nghệ chống vứt rác bừa bãi
Thông qua ứng dụng "Tân Phú trực tuyến", quận Tân Phú đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi xả rác bừa bãi. Bất kỳ người dân hoặc cán bộ nào cũng có thể chụp hình, quay phim, xác định thông tin vị trí nơi xảy ra vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và gửi về cho cơ quan xử lý.
Qua hơn một năm triển khai, các đơn vị đã nhận 110 tin phản ánh vi phạm trật tự đô thị, trong đó cơ quan chức năng đã xử lý phản ánh về tình trạng xả rác, nước thải ra hè phố 26 tin, lập biên bản nhắc nhở 22 vụ việc, ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.400.000 đồng.
Tương tự, UBND quận 10 cũng áp dụng phần mềm quận 10 trực tuyến để phát hiện, xử lý các hành vi xả rác nơi công cộng. Ngoài ra, lãnh đạo khu phố 2, phường 11 của quận này còn xây dựng mô hình làm túi từ giấy, báo cũ để tặng các tiểu thương nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông. Quận đoàn 10 thì tổ chức sơn nắp hố ga để tuyên tuyền người dân không vứt rác ra hố ga, miệng cống.
Bình luận (0)