Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước với trên 13.000 km2, trong đó 40% là đất đỏ bazan, khí hậu ôn hòa, phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu. Đắk Lắk còn có nhiều thác, hồ, khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp; đậm bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, Đắk Lắk có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời với công suất 95 GWh/năm, điện gió với công suất 1.382 MWh/năm.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Xác định doanh nghiệp (DN) là đối tượng được phục vụ, tỉnh Đắk Lắk luôn làm tốt công tác định hướng hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Vào thứ ba hằng tuần, tỉnh đều đặn tổ chức buổi gặp theo mô hình cà phê doanh nhân - DN. Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh cùng uống cà phê với DN, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư nhằm kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ ngay những vướng mắc của DN.
Ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ôtô An Phước, nhận xét cà phê doanh nhân - DN là một hoạt động thiết thực, kết nối nhà đầu tư với chính quyền. Tại buổi cà phê, các DN cảm thấy lãnh đạo chính quyền luôn trân trọng, đồng hành, quan tâm chia sẻ, giúp DN có thêm niềm tin bỏ vốn đầu tư. Những vướng mắc của DN kiến nghị bằng công văn phải qua nhiều khâu, mất thời gian, bị bỏ qua hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn thì nay được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành xử lý nhanh gọn. Thậm chí, những vấn đề mới chưa có quy định, các chuyên viên không xử lý được thì ở tầm cao hơn sẽ có hướng giải quyết kịp thời. "Việc trao đổi với lãnh đạo tỉnh cũng góp phần làm bộ máy hành chính hoạt động tốt hơn. Ví dụ, DN tới làm việc, cán bộ không dám nhũng nhiễu vì biết đâu sau khi nộp hồ sơ, DN ngồi uống cà phê, lại chia sẻ sự phiền hà với lãnh đạo tỉnh" - ông Thanh cho biết thêm.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, làm tốt công tác tổ chức quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất sạch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư các dự án.
Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1 vừa đi vào hoạt động
Tiềm năng và cơ hội
"Tiềm năng của Đắk Lắk, cơ hội của DN" là thông điệp mà tỉnh này muốn nhắn gửi đến nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019.
Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút nhiều nhà đầu tư tới thực hiện hàng loạt dự án. Hiện dự án sân golf 18 lỗ và khu biệt thự ở hồ Ea Kao đã được bổ sung quy hoạch chính thức và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến 2 năm tới, tỉnh này sẽ có một khu sân golf đẳng cấp. Bên cạnh đó, một tập đoàn cũng đang đặt vấn đề xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf khoảng gần 1.000 ha tại hồ Ea Nhái. Riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đắk Lắk được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn của cả nước. Dự kiến trong năm 2019, sẽ có 5 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió được khánh thành. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã bổ sung quy hoạch cho cụm nhà máy điện mặt trời 600 MW, cùng 4 dự án điện gió, dự kiến khởi công trong năm 2019. Năm 2018, tỉnh đã thu hút được 61 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8.300 tỉ đồng.
Ông Trần Bá Quang, Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Sêrêpốk 1 thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải, cho biết khi tỉnh Đắk Lắk có chủ trương phát triển điện mặt trời, DN đã nắm bắt cơ hội, tiến hành quan trắc liên tục trong 2 năm và kết quả rất khả quan nên quyết định đầu tư. Với sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, chỉ trong vòng 4 tháng, DN này đã được bàn giao 120 ha đất sạch. DN đã đầu tư gần 2.000 tỉ đồng xây lắp hơn 300.000 tấm panel, các hạng mục liên quan và hoàn thành chỉ sau 4 tháng khởi công. "Với giá thu mua như hiện nay, nhà máy điện mặt trời chắc chắn sẽ sinh lời bền vững. Mỗi năm, DN sẽ nộp ngân sách khoảng 30 tỉ đồng" - ông Quang tính toán.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 9-3-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ xây dựng kinh tế Đắk Lắk theo hướng "xanh", bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ, bảo đảm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ của vùng…
Tỉnh Đắk Lắk cũng kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; các dự án đầu tư chế biến sản phẩm nông - lâm - thủy sản; năng lượng tái tạo; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các dự án khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch sinh thái...
Nhiều ưu đãi
Tỉnh Đắk Lắk có những chính sách ưu đãi thiết thực cho các nhà đầu tư. Cụ thể, xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp sẽ được miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với các dự án tại các phường của TP Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với các dự án tại các xã của TP Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác.
Bình luận (0)