Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa XIV, báo cáo của Chính phủ xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh ở khu vực và quốc tế.
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Tại cuộc họp Quốc hội vào sáng 22-5, phát biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng trước kia chúng ta coi doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là trụ cột phát triển kinh tế nhưng chỉ chung chung, là DNTN thông thường. "Hiện nay, chúng ta nhìn nhận các tập đoàn tư nhân lớn để phát triển các chuỗi giá trị là cần thiết" - ông Cường nói.
Dây chuyền xử lý trứng hiện đại của Công ty TNHH Ba Huân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để thực hiện được chủ trương này, ông Cường đặt vấn đề phải xem xét việc hình thành các tập đoàn DNTN do đâu, dựa vào gì? Vì hiện nay phần lớn DN này phát triển dựa vào khai thác lợi thế từ đất đai, tài nguyên, thương mại. Điều này thì DN các nước phát triển đã làm từ thế kỷ XV-XVI. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải dựa vào sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị, "nhưng cũng cần có tính toán kỹ càng". Như dệt may là một lợi thế nhưng ngành này lại rơi vào các nhà kinh tế tư bản và chúng ta chỉ gia công. "Cần đặt ra yêu cầu phải chọn lọc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tránh những lĩnh vực mà DN FDI cạnh tranh trực tiếp với DN trong nước".
Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho biết tại Hội nghị Trung ương 10, ông đã nêu rằng hiện nay còn mất cân đối giữa DN FDI và DN trong nước. Cần coi phát triển kinh tế tư nhân là một khâu đột phá để phát triển nội lực, phát triển độc lập, tự chủ. Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DNTN.
Cần chính sách làm đòn bẩy
Trao đổi bên hành lang QH, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết qua theo dõi mạng xã hội cũng như dư luận những ngày qua có thể thấy sự đồng tình, ủng hộ lớn với thông điệp "đừng kỳ thị kinh tế tư nhân" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Trung ương 10.
"Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu một loạt câu hỏi và yêu cầu "không kỳ thị" như vậy, cộng đồng DNTN rất hả lòng hả dạ" - ông Vân nói và cho rằng sự bất bình đẳng đó chính là nút thắt trong cả nhận thức và hành động cần tháo gỡ bằng những chủ trương, chính sách cụ thể.
ĐB Lê Thanh Vân cho rằng định hướng tới đây là phải ưu tiên "làm sạch" nhận thức sai lầm đang tồn tại, từ đó mới điều chỉnh, chi phối được hành động. Tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra cũng cho thấy việc xây dựng nền kinh tế tự chủ phải dựa vào nội lực.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng sự kỳ thị trước đây rất rõ. Người ta còn quan niệm DNTN là những thành phần không tốt, là chạy chọt, móc ngoặc, gian dối, là con buôn. "Nhưng nay không còn tư tưởng đó nữa. Xã hội đã rất đề cao cộng đồng DN. Vậy nên giờ người nào còn tư tưởng kỳ thị là quá lạc hậu" - vị đại biểu tỉnh Thái Bình nhìn nhận. Để hình thành được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, chính sách sẽ là đòn bẩy, còn phát triển được hay không là do năng lực nội tại của DN.
Nghịch lý với doanh nghiệp nhà nước
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng nhìn vào chỉ số tăng trưởng GDP mấy năm gần đây sẽ thấy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp tỉ trọng lớn, đóng góp quan trọng cho ngân sách, trong khi nguồn lực xã hội mà khu vực kinh tế này nắm giữ lại quá khiêm tốn so với kinh tế nhà nước. Nguồn lực tài chính, tài nguyên mà khối DN nhà nước hiện nắm giữ vẫn chiếm tỉ lệ chi phối rất lớn nhưng hiệu quả mang lại thì không như kỳ vọng.
Bình luận (0)