Những năm qua, Thanh Hóa đã thực sự chuyển mình, trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh, có nền kinh tế lớn thuộc tốp đầu cả nước. Trong đó, Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn là hạt nhân, tạo "đòn bẩy". Thế nhưng, dù đã có bước phát triển mạnh mẽ, song việc không có quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ mời gọi nhà đầu tư đang là rào cản để Thanh Hóa bứt phá.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 1887 thị sát những khu vực sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trong KKT Nghi Sơn
Chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh
Được xác định là KKT trọng điểm của cả nước và khu vực nên trong những năm qua, Nghi Sơn được xem là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Tại đây, đã có 25 khu công nghiệp (KCN) với diện tích khoảng 9.057 ha. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 KCN ngoài KKT Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.
Theo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, hiện KKT Nghi Sơn đã thu hút được 297 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.538 tỉ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,8 tỉ USD. Trong đó, nguồn vốn các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện đạt 70.366 tỉ đồng và vốn FDI gần 12,7 tỉ USD.
Nhiều dự án đầu tư tại KKT Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, vận hành hiệu quả đã đóng góp đột phá vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Đáng chú ý nhất là "siêu dự án" Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một dự án trọng điểm của cả nước, có tổng mức đầu tư khoảng 9 tỉ USD, tiếp đến là 2 dự án FDI "khủng" là nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, với tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD. Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án lớn trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào KKT Nghi Sơn như: Nhà máy Gang thép Nghi Sơn, Nhà máy Xi-măng Long Sơn, Nhà máy Xi-măng Đại Dương; Tổ hợp Hóa chất Đức Giang; dự án cảng container Long Sơn…
Dù đã được quan tâm rất lớn, nhưng đến nay KKT Nghi Sơn mới chỉ có 7 KCN được lấp đầy, còn lại hầu hết các KCN chưa được đầu tư hạ tầng bài bản, thiếu quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Thanh Hóa có phần "hụt hơi" trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư FDI vào đầu tư trong thời gian qua. Thậm chí, tại KKT Nghi Sơn có một số nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận nhưng việc triển khai xây dựng hạ tầng còn chậm, kéo dài.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Tú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư XD và TM Anh Phát (chủ đầu tư KCN số 3), cho biết dự án của đơn vị chậm tiến độ do đến thời điểm này vẫn còn 34/67 ha thuộc KCN chưa thể giải phóng mặt bằng (GPMB) được, trong khi 33 ha được giao đất công ty đã hoàn thiện hạ tầng, hiện có 5 nhà đầu tư thứ cấp tới thuê đất. "Diện tích đất còn lại chủ yếu là đất ở, đền bù theo đơn giá nhà nước thì dân không chấp nhận dù đây là dự án thuộc trường hợp thu hồi đất để giao nhà đầu tư. Trong khi giá đất ở hiện nay được "thổi" quá cao, dẫn tới không thể áp giá đền bù được, nếu làm sẽ không có lãi. Đây là nguyên nhân khiến chúng tôi không thể có đất sạch để triển khai dự án, dẫn tới chậm tiến độ" - ông Tú nói.
Các nhà máy, xí nghiệp đã đầu tư đi vào hoạt động trong KKT Nghi Sơn. Ảnh: MINH HIẾU
Quyết định tạo đột phá
Nhằm giải bài toán về vấn đề hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản tại KKT Nghi Sơn, từng bước xây dựng, phát triển nơi đây trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, Thanh Hóa đã phê duyệt đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKT Nghi Sơn.
Để thực hiện có hiệu quả đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã có Quyết định số 1887 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ 1887) thực hiện đề án, với quyết tâm tạo quỹ đất sạch mời gọi nhà đầu tư. BCĐ 1887 có 23 thành viên, do Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng làm trưởng ban. Đây được xem là "cú hích" mang tính đột phá chiến lược về hạ tầng, nhằm cải thiện vị thế thu hút đầu tư của Thanh Hóa.
Đề án sẽ thực hiện GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN số 6, số 20 và số 21 nằm trong KKT Nghi Sơn với số tiền đầu tư khoảng 11.300 tỉ đồng. Tổng diện tích cần GPMB là hơn 1.500 ha. Trong đó, KCN số 21 sẽ cần 1.121 tỉ đồng để GPMB cho 395 ha đất; KCN số 6, cần khoảng 7.254 tỉ đồng để GPMB 549 ha và KCN số 20 sẽ cần khoảng 2.997 tỉ đồng để GPMB 604 ha đất.
Theo lộ trình, từ năm 2023 - 2024, tập trung GPMB, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư, đồng thời GPMB 604 ha đất tại KCN này; từ năm 2023 - 2025, GPMB, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư; từ năm 2025 - 2027, thực hiện GPMB KCN số 21, diện tích 395 ha và KCN số 6, diện tích 549 ha.
Để thực hiện hiệu quả đề án, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các thành viên BCĐ 1887, trên cương vị chức năng nhiệm vụ công tác của mình cần chủ động thực hiện tốt các phần việc được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ mà BCĐ 1887 đã đề ra.
Chú trọng tái định cư
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh để triển khai các dự án đầu tư, trước hết phải thực hiện GPMB; để GPMB thuận lợi thì phải chuẩn bị tốt nơi tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất ở. Đây là công việc liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương và đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng. Do vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ công tác này.
Bình luận (0)