Trong bài phát biểu vào sáng 16-8 tại hội nghị toàn quốc triển khai chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của 3 trụ cột hiện nay là: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, khẳng định đó là "ba chân kiềng" vững chắc để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Sự vững chắc của "3 trụ cột"
Đây là điều mà mỗi đảng viên phải suy nghĩ để chung tay góp sức biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động trong đời sống chính trị của đất nước ở giai đoạn mới. Việc nghiên cứu về "3 trụ cột" là để thấy rõ hơn sự vững chắc của thế "chân kiềng" hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp khảo sát ý kiến người dân về các chính sách hỗ trợ của thành phố khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch .Ảnh: BÍCH VÂN
Về vai trò Đảng lãnh đạo: Từ khi ra đời đến nay, Đảng giữ vai trò lãnh đạo thống nhất và toàn diện của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũng kịp thời đưa ra những quyết sách sát hợp với tình hình đất nước, gắn với đòi hỏi chính đáng và nguyện vọng của nhân dân; tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua khó khăn để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu, bị áp bức, bóc lột trở thành một đất nước độc lập, tự do, tươi đẹp như hôm nay và nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Về vai trò nhà nước quản lý: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ khi ra đời và trở thành nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nước ta từng bước khẳng định là nhà nước pháp quyền XHCN với đầy đủ cơ chế hoạt động của một quốc gia độc lập, có chủ quyền được quốc tế công nhận. Thực tiễn đã chứng minh nhà nước ta là "nhà nước của dân, do dân và vì dân", vận hành với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Từ khi có Đảng lãnh đạo, có nhà nước độc lập tự chủ, nhân dân ta đã trở thành người làm chủ đất nước. Vai trò làm chủ của nhân dân luôn được Đảng và nhà nước coi trọng, theo tinh thần "mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, mọi quyết sách của Đảng và kế hoạch của nhà nước đều xuất phát từ thực trạng tình hình đất nước và ý nguyện của nhân dân, trong đó MTTQ Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung thu hút, tập hợp, quy tụ mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" phải là một cơ chế thống nhất, đồng bộ, hòa quyện bền chặt, tác động, hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau để giữ vững và phát triển. Nói cách khác, "3 trụ cột" trong cơ chế này không khác gì sự vững chắc của kiềng ba chân, giữ vững và phát huy tốt điều này chính là cơ sở để làm nên mọi thắng lợi.
Như một chân lý
Suốt 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta, cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự điều hành của Chính phủ đã thật sự vào cuộc ngày càng hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng ta đã ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ trong nước, kiều bào ở nước ngoài tích cực đóng góp sức người, sức của vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trong nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, kế hoạch hành động nhằm tập trung phòng chống dịch luôn được đặt lên hàng đầu, bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là phòng chống dịch và tiếp tục ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Điều đó cho thấy rất rõ vai trò của Đảng trong những tình thế khó khăn, đầy cam go, thử thách của đất nước. Thực tế cho thấy chính sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng ta, tình hình nguy cấp do dịch Covid-19 gây ra đã từng bước được ngăn chặn.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ luôn đề cao trách nhiệm chính trị, tăng cường quản lý điều hành mọi hoạt động của đất nước trong tình trạng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến đi thực tế cơ sở để kiểm tra, xử lý trực tiếp tại những nơi dịch bệnh hoành hành (như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...). Chính phủ cũng đã tổ chức một số hội nghị trực tuyến đến tận xã, phường, thị trấn để nắm bắt kịp thời tình hình ở các địa phương, qua đó kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện chủ quan, lơ là, đơn giản trong phòng chống dịch.
Trong gần 2 năm qua, nhân dân ta cũng đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò làm chủ của mình trong quá trình tham gia phòng chống dịch. Hầu hết người dân đã tuân thủ các quy định của nhà nước về yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, các quy định cụ thể của mỗi địa phương, nhất là những nơi nằm trong vùng có dịch, thực hiện việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều người đã tích cực đóng góp tiền của để chung sức cùng nhà nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Thế "chân kiềng" như nói ở trên nếu phát huy tốt, đồng bộ, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tiễn hiện nay ở nước ta đã chứng minh sự đúng đắn về sức mạnh của thế "chân kiềng" như là một chân lý không thể khác.
Tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào
Để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng đề ra tại Đại hội XIII, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), ngày 12-8, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNƠNN trong tình hình mới. Đây là sự tiếp tục và nhất quán trong quan điểm, chủ trương của Đảng đối với cộng đồng NVNƠNN.
Khoảng 5,3 triệu NVNƠNN đang sinh sống trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều năm qua, cộng đồng NVNƠNN đã có những đóng góp quý báu đối với đất nước. Đảng và nhà nước luôn xem công tác đối với NVNƠNN là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện chủ trương đó, các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho NVNƠNN gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng, tri thức của đồng bào trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh...
Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học là NVNƠNN đã về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đóng vai trò làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước, vận động các cá nhân, tổ chức của nước sở tại hỗ trợ các dự án xã hội ở Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục...
Thời gian qua, khi dịch Covid-19 gây tổn thất to lớn về nhiều mặt ở nước ta, dù những quốc gia mà đồng bào ta cư trú cũng vừa trải qua đại dịch nhưng cộng đồng NVNƠNN đã có những giúp đỡ kịp thời về vắc-xin, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch cho đất nước. Đây là nguồn lực quý báu góp phần quan trọng vào việc phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Chủ trương của Đảng đối với NVNƠNN là nhất quán. Để các chủ trương, quan điểm này đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Cụ thể là "tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNƠNN khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để NVNƠNN về nước đầu tư, sản xuất - kinh doanh" mà Kết luận số 12-KL/TW đã vạch ra.
Vũ Trung Kiên (TP HCM)
Bình luận (0)