Đi tìm câu trả lời, tối thứ bảy ngày 18-12, liên hệ với đơn vị khai thác tuyến buýt sông ban đêm - Công ty TNHH Thường Nhật, chúng tôi có mặt trên tàu buýt xuất phát từ bến Bạch Đằng, quận 1, TP HCM.
Liên tục "cháy vé"
Trước đó, ghi nhận tại cầu tàu là hình ảnh người dân tấp nập đến mua vé. Cầm tấm vé trên tay, nhiều người háo hức đợi đến lượt mình lên tuyến buýt sông trải nghiệm ngắm thành phố về đêm. Sau một hồi còi dài, chiếc buýt sông từ từ rẽ sóng đưa người dân đi ngắm cảnh thành phố về đêm từ góc nhìn trên sông nước.
Sông Sài Gòn về đêm gió thổi lồng lộng, chiếc buýt sông với ánh đèn vàng rực nổi bật trên mặt nước. Rời bến Bạch Đằng, buýt sông chạy về phía TP Thủ Đức để đến bến Bình An. Cảnh quan hai bên dòng sông hiện ra trước mắt khiến hành khách trầm trồ, thích thú. "Chỉ trong vòng 1 tuần, tôi đã đi buýt sông về đêm đến lần thứ 3. Thấy trên mạng hay quá nên tôi đưa gia đình đến trải nghiệm. Đi một lần là mê luôn" - anh Ngô Vỹ Dân (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) nói. Theo anh Dân, ngắm thành phố về đêm từ giữa dòng sông Sài Gòn là một trải nghiệm mới lạ, giúp anh tách ra khỏi những xô bồ, ồn ào, đầu óc được thư giãn, nhẹ nhàng hơn. "Đúng ra loại hình này nên khai thác từ sớm rồi mới phải. Tôi tin loại hình này sẽ ngày càng hút khách" - anh Dân nói.
Người dân thích thú ngắm TP HCM lung linh về đêm trên tàu buýt
Cùng suy nghĩ với anh Dân, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) nói chị đã dự định mỗi tuần sẽ trải nghiệm buýt sông vào ban đêm ít nhất một lần. "Trên chiếc buýt sông, ai cũng cảm nhận được không khí trong lành, thoáng đãng. Gió từ sông thổi vào mát rượi. Qua ô cửa sổ, hành khách có thể ngắm nhìn các công trình, tòa nhà cao tầng lấp lánh trong ánh đèn. Ánh sáng từ các tòa nhà cao tầng chiếu xuống mặt sông, tạo nên khung cảnh lung linh, thơ mộng. Đầu óc thư thái như thế hỏi ai không mê, không thích" - chị Thanh bộc bạch.
Nhộn nhịp nhất trên chuyến buýt đêm có lẽ là lúc tòa Landmark 81 tầng dần hiện rõ trước mắt. Lúc này, hành khách thi nhau đưa điện thoại lên chụp hình. Ai cũng nhanh tay lưu lại khoảnh khắc thật đẹp cạnh công trình biểu tượng của TP HCM. Lần đầu tiên trải nghiệm buýt sông, ông Hữu Tính (60 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) nói ông phải mua vé trước mới được vi vu cùng buýt sông vào ban đêm. "Phải nói đây là trải nghiệm đưa tôi về với tuổi thơ bên sông nước lộng gió" - ông Tính nhận xét.
Đưa 2 con nhỏ đi chơi sau 1 tuần học trực tuyến căng thẳng, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cảm nhận: "Đi buýt sông ban ngày hay ban đêm đều thú vị. Nhưng có lẽ nhiều người thích đi ban đêm là vì còn được phục vụ văn nghệ miễn phí. Những bài hát, điệu nhạc của các nghệ sĩ mang lại bầu không khí vui tươi, sôi động cho chuyến đi. Mấy đứa nhỏ nhà tôi thích lắm". Theo chị Mai, với giá vé 15.000 đồng/lượt, tổng thời gian cho cả 2 chiều đi và về khoảng 45 phút, dịch vụ này đang nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đông đảo người dân và du khách nên thường xuyên "cháy vé" là điều có thể dễ dàng hiểu được.
Sẽ nhân rộng
Cũng trong tối 18-12, gặp chúng tôi ở bến Bạch Đằng, cầm 5 tấm vé trên tay, chị Tô Ngọc Mỹ (ngụ quận 3, TP HCM) nói vé chị mua trước cho ngày mai (tức ngày 19-12, PV). "Tôi đến mua vé nhưng đã hết nên mua luôn 5 vé cho ngày mai để không phải lỡ dịp như hôm nay" - chị Mỹ nói và hy vọng buýt sông tăng "công suất" hoạt động.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, nhìn nhận sau 10 ngày đầu buýt sông hoạt động vào ban đêm, các chuyến buýt đêm luôn đầy khách và liên tục "cháy vé" do nhu cầu tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch này của người dân quá cao. "Chúng tôi thấy rằng mô hình buýt sông ban đêm đã đáp ứng được nhu cầu người dân thành phố. Chúng tôi sẽ duy trì và phát triển nhiều hơn nữa mô hình này" - ông Toản nói.
Công ty TNHH Thường Nhật cũng đang từng bước triển khai xây tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm). "Chúng tôi phải chờ công tác xây dựng hạ tầng của những dự án khác cùng nằm trên dòng kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Khi các dự án kia hoàn thành, chúng tôi mới có thể bắt tay vào triển khai được. Dự kiến tuyến buýt đường sông số 2 sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022 và chắc chắn không thể thiếu loại hình buýt chạy ban đêm để phục vụ người dân" - ông Nguyễn Kim Toản nói. Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật nhận định kênh Tàu Hũ - Bến Nghé mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử. Lộ trình sông nước này sẽ góp phần phục dựng lại chuỗi hình thành và phát triển của thành phố gắn với văn hóa "trên bến dưới thuyền" hơn 300 năm của vùng đất Sài Gòn - TP HCM.
Với tuyến buýt sông số 1 chạy vào ban đêm đang được người dân đón nhận, ông Toản tâm sự: "Hình ảnh hành khách xếp hàng dài chờ đến lượt lên buýt sông là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Những điều mình muốn, mình làm đã được đón nhận. Tuyến buýt sông về đêm sẽ tạo ra cảm xúc tích cực, người dân vui sống hơn, tin vào tương lai tươi sáng và yêu thương thành phố này hơn".
Bình luận (0)