Liên quan Nghị quyết 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 Chính phủ vừa ban hành, trong đó yêu cầu TP HCM và 4 địa phương lập Đề án phân vùng hạn chế xe máy, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết thành phố đã phê duyệt đề án tương tự từ năm 2020.
Có lộ trình
Cụ thể, theo ông Đỗ Ngọc Hải, đó là Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM được HĐND thành phố thông qua tháng 7-2020. Đề án đặt mục tiêu phát triển bền vững vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030.
Đề án chia nhiều lộ trình, thực hiện từ năm 2020-2030 với 27 nhóm giải pháp vừa kết hợp song song các giải pháp vừa phát triển vận tải công cộng như metro, xe buýt, BRT… và các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới như thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp thu phí ô nhiễm môi trường của xe môtô, xe gắn máy 2-3 bánh.
Đối với nhóm giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, trước khi triển khai, thành phố sẽ bảo đảm các điều kiện cần như mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe đạp, xe máy điện hỗ trợ kết nối xe buýt thuận tiện.
Ngoài ra, việc hạn chế môtô và xe máy thực hiện có lộ trình, trước mắt là khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5 và 10), khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và sẽ mở rộng dần đến các khu vực lân cận.
Không duy ý chí, không áp đặt
Nhận định về yêu cầu 5 địa phương lập đề án phân vùng kiểm soát xe máy, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân là cần thiết đối với các đô thị lớn như TP HCM.
Trong đó, chính sách này có thể áp dụng ngay tại 3 thành phố gồm Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ vì mật độ giao thông vừa phải, ít ùn tắc giao thông. Riêng TP HCM và Hà Nội cần có chiến lược và tư duy khác. Đề án nên phân kỳ thực hiện, không máy móc áp đặt trên toàn thành phố mà nên tập trung tại các vùng đô thị mới, những dự án dự kiến xây dựng thay vì tập trung vào khu đô thị hiện hữu.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT - Trường Đại học Việt Đức, cho biết Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân của TP HCM là giải pháp được nhiều đô thị lớn trên thế giới áp dụng, song để thực hiện hiệu quả thì cần ưu tiên thực hiện những nhóm giải pháp khả thi, cấp bách.
Cụ thể, tập trung những nhóm giải pháp vừa kéo vừa đẩy, tức là kéo phương tiện cá nhân xuống và đẩy phương tiện công cộng lên. TP HCM cần ưu tiên hơn cho giải pháp đẩy để tạo điều kiện thực hiện giải pháp kéo. Trong phát triển vận tải hành khách công cộng thì 5 năm tới, xe buýt vẫn giữ vai trò trung tâm.
Đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình, TP HCM) vào giờ tan tầm. Đây là đoạn đường nối ra sân bay Tân Sơn Nhất, kẹt xe mỗi ngàyẢnh: THU HỒNG
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trong năm 2021, Hà Nội đã tập trung xử lý, khắc phục được 20/27 "điểm đen" về tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đã ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; ban hành 5 kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gắn với phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông 5%-10%. Đồng thời tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút và kịp thời xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã ban hành kế hoạch, trong đó gắn trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp...
Hà Nội cũng đang nghiên cứu kế hoạch "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" và nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy mới trong nội thành nhằm thực hiện đề án kiểm soát phương tiện cá nhân trong nội đô vào năm 2030.
Hà Nội triển khai 6 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, giải pháp thứ nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016. Thứ hai, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý. Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân chính. Thứ tư, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó, bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý. Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông. Thứ sáu, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường xe buýt nhỏ
Trong 5 năm trở lại đây, các phương tiện là ôtô cá nhân trên địa bàn TP Cần Thơ tăng nhanh. Hiện thành phố có hơn 46.000 ôtô, 481.000 môtô trong khi kết cấu hạ tầng không đáp ứng kịp. Chính vì vậy, tại các nút giao thông trong nội ô thành phố thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Liên quan Nghị quyết 48 của Chính phủ, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, thông tin: "UBND TP chỉ đạo giao nhiệm vụ cho một đơn vị xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 48".
KTS Trần Dân, Chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, cho biết muốn hạn chế xe máy vào trung tâm thành phố, trước hết phải tính toán để hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng. Muốn hạn chế xe máy vào nội đô phải tăng cường các loại xe buýt nhỏ đi khắp các tuyến đường để người dân đi được và tiện lợi nhằm hạn chế đi xe máy. Đối với hạ tầng xe buýt hiện nay của TP Đà Nẵng thì không thể nào giảm xe máy được.
C.Linh - B.Vân
Bình luận (0)